Nhà nông cần giữ mối liên kết
LSO-Sản xuất nông hộ, sau thời kỳ hợp tác xã kiểu cũ đã tạo ra những bước đột phá về năng suất. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, tập quán sản xuất riêng lẻ, mạnh ai nấy làm là một trong những trở lực lớn để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Trên thực tế, hiện tại chưa có sự gắn kết bền chặt giữa những người sản xuất, trong khi đó nhiều lúc nhà nông lại tự phá vỡ mối liên kết với doanh nghiệp.
Nông dân xã Quang Lang, huyện chi Lăng thu hoạch ớt – Ảnh: VŨ LÊ MINH |
Do nhu cầu về ớt ngày càng cao của thị trường Hàn Quốc, năm 2011, Trung tâm Phát triển giống nông lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng phải lặn lội tới tận huyện Chi Lăng thu mua ớt để đáp ứng nhu cầu của bạn hàng. Cũng từ thời điểm này, qua kiểm tra, Trung tâm này nhận thấy những ưu điểm về chất lượng của ớt Chi Lăng và rất nhanh chóng, cùng với sự tạo điều kiện của huyện, Trung tâm đã ký hợp đồng nguyên tắc đầu tư và tiêu thụ sản phẩm ớt giai đoạn 2012-2018 với UBND huyện Chi Lăng. Mục tiêu tạo thành vùng nguyên liệu quy mô hơn 100ha và sản lượng trên 1.000 tấn mỗi năm.
Để từng bước cụ thể hóa mục tiêu này, trong năm 2012 Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật “nằm vùng” tại Chi Lăng, khảo sát hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, liên kết sản xuất theo hình thức cung ứng giống, vật tư, khoa học và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, quy mô liên kết khoảng 30 ha. Giá thu mua thời điểm đó được doanh nghiệp cam kết thấp nhất là 9.000 đồng/kg và có điều chỉnh nếu giá thị trường cao hơn. Thời điểm bấy giờ thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh nhập khẩu ớt, đẩy giá ớt lên rất cao. Giá của doanh nghiệp đã điều chỉnh lên 12.000 -13.000 đồng/kg, nhưng nhà nông vẫn xuất bán cho các tư thương khác với giá cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg.Như vậy chỉ với chút giá cao tức thời, nhà nông đã quay lưng với doanh nghiệp đầu tư. Để đủ số hàng đã ký kết, doanh nghiệp buộc phải mua lại sản phẩm của các tư thương đã thu gom trước đó với giá rất cao. Khoản chênh lệch này nhà nông không được hưởng, còn doanh nghiệp thì chịu lỗ để giữ chữ tín với bạn hàng. Thời điểm này khi giá ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng bắt đầu có những biến động bất thường theo xu hướng giảm, thì hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đã không còn được duy trì. Ông Lương Thành Chung, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: để tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp và tạo mối liên kết bền chặt hơn, trong thời gian tới phòng chuyên môn sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất. Mục đích là liên kết những người sản xuất, trực tiếp ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp và có trách nhiệm tuân thủ hợp đồng đã ký, tạo mối liên kết bền chặt. Trong đó nhà nước có vai trò định hướng, giám sát đảm bảo lợi ích cho các bên. Không chỉ riêng ở Chi Lăng mà tình trạng nhà nông tự ý phá vỡ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đầu tư xảy ra tương đối phổ biến. Ông Hoàng Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ kể: vụ đông 2012-2013, Trung tâm phối hợp và giới thiệu Công ty TNHH Tấn Phát (Hà Nội) đầu tư khoai tây giống mới vào một số địa phương trên địa bàn Lộc Bình theo phương thức, 1kg khoai tây giống đổi lấy 3kg khoai thương phẩm, số còn lại doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ cho nông dân. Hợp đồng liên kết là thế, nhưng khi đến kỳ thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã không theo cam kết, bán toàn bộ sản phẩm ra ngoài, thậm chí không trả lại giống cho nhà đầu tư. Ông Tường ngao ngán: Trung tâm đứng ra liên kết, vì vậy khoảng 60 triệu đồng tiền giống chưa thu hồi được, Trung tâm vẫn phải nợ doanh nghiệp.
Câu chuyện liên kết sản xuất khoai tây ở Tràng Định cũng tương tự. Ông Hoàng Văn Thoại, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tràng Định bộc bạch: doanh nghiệp đầu tư cho dân về giống, vật tư, khoa học, nhưng đến khi thu hoạch thì các tư thương đổ xô tranh mua với mức giá chỉ cao hơn giá của nhà đầu tư một chút là người dân sẵn sàng phá hợp đồng. Bởi sản xuất riêng lẻ, nên nhà này nhìn nhà kia, nhà này bán, nhà kia cũng bán. Tư thương không mất công, mất của đầu tư, chỉ thêm chút giá là mua được toàn sản phẩm đẹp. Còn nhà đầu tư chỉ còn lại sản phẩm lỗi. Bởi vậy mà trong vòng 2 năm trở lại đây số doanh nghiệp liên kết sản xuất khai tây với nhà nông trên địa bàn toàn tỉnh cứ vắng dần. Mặc dù điều kiện rất thuận lợi, thế nhưng cho đến bây giờ khoai tây Xứ Lạng vẫn chưa thể thành vùng sản xuất hàng hóa có tính bền vững.
Trồng dưa hấu theo hướng sản xuất hàng hóa ở xã Mai Pha mang lại hiệu quả kinh tế cao – Ảnh: THẾ BẢO |
Tại cuộc họp bàn về Chương trình hành động tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được UBND tỉnh được tổ chức mới đây, các đại biểu đã tập trung nhấn mạnh vào việc thay đổi phương thức và hình thức tổ chức sản xuất. Rõ ràng là từ sản xuất riêng lẻ, mạnh ai nấy làm thì người sản xuất phải liên kết với nhau. Doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với người đại diện thay vì ký hợp đồng với từng hộ sản xuất. Trong tổ chức sản xuất ấy, nhà nông sẽ giám sát, vận động để giữ chữ tín với nhà đầu tư. Nhà nước có vai trò định hướng, quy hoạch, quản lý để đảm bảo cho các mối liên kết được bền chặt theo hướng nhà nông và doanh nghiệp cùng có lợi. Đó là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn liền với thị trường tiêu thụ, trên cơ sở liên kết bền chặt “4 nhà”.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()