Nhà máy xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn: Phát huy hiệu quả công nghệ tiên tiến
– Hạng mục nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án hệ thống xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn chính thức được đưa vào vận hành tháng 9/2021. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến việc xử lý nước thải được thực hiện tự động hoá tất cả các khâu, từ hệ thống thu gom và bơm nước thải tại các khu dân cư vào hệ thống xử lý tại nhà máy. Sau hơn 1 năm đưa vào vận hành nhà máy đã phát huy hiệu quả, làm sạch nguồn nước thải trước khi xả ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn – đơn vị được giao chủ đầu xây dựng dự án và quản lý vận hành nhà máy cho biết: Sau gần 2 năm thực hiện đầu tư xây dựng hạng mục nhà máy và hơn 1 năm vận hành cho thấy hệ thống thiết bị hoạt động ổn định. Nguồn nước thải ra môi trường sau xử lý đều đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn B và được giám sát, quan trắc kết nối dữ liệu tự động với Trung tâm Giám sát môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Công nhân Chi nhánh Cấp thoát nước thành phố Lạng Sơn vận hành hệ thống thiết bị tại nhà máy xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn
Theo thiết kế, nhà máy xử lý nước thải và các trạm bơm được đầu tư xây dựng với khả năng xử lý lưu lượng nước thải trung bình 5.260 m3/ngày đêm. Đồng thời, nhà máy có thể nâng công xuất xử lý lưu lượng nước thải tối đa tới 15.072 m3/ngày đêm và có tính đến giải pháp đấu nối và mở rộng công suất cho giai đoạn sau năm 2030.
Toàn bộ quy trình vận hành nhà máy xử lý nước thải của thành phố Lạng Sơn đều thực hiện tự động hoá từ khu vực phát sinh nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư kết nối với các trạm bơm thu gom nước và chuyển đến nhà máy để xử lý.
Ông Đàm Mạnh Dũng, Trưởng tư vấn giám sát thực hiện dự án cho biết: Toàn bộ quá trình vận hành thiết bị tự động của nhà máy đều được cập nhật hằng ngày trên một phần mềm giám sát và tất cả các thông số dữ liệu về tình trạng hoạt động, sự cố, các lỗi xảy đều được ghi lại trong phần mềm này. Cùng đó, với công nghệ xử lý sinh học và quy trình thu gom áp dụng giải pháp bơm tự động thu gom từ các nguồn thải trực tiếp về nhà máy đã giảm khoản đầu tư hồ chứa nguồn thải, hạn chế sử dụng diện tích đất lớn và không phát sinh mùi hôi ra môi trường. Nguồn nước thải xả ra môi trường sau xử lý đạt chuẩn B, tại nhà máy nguồn phát thải mùi được kiểm soát chặt chẽ.
Theo thống kê của Công ty Cổ phấn Cấp thoát nước Lạng Sơn, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 10/2022, tất cả nguồn nước thải sinh hoạt phát sinh từ 4 phường trên địa bàn thành phố gồm: Đông Kinh, Vĩnh Trại, Hoàng Văn Thụ và Tam Thanh đều được nhà máy xử lý đạt 100%, bình quân xử lý 3.162 m3 nước thải/ngày đêm.
Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đây là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được đầu tư đồng bộ hiện đại từ nguồn vốn nước ngoài. Qua thực tế theo dõi và quan trắc nguồn xả thải từ nhà máy cho thấy, tất cả các mẫu nước, phân tích hoá nghiệm nước xả ra môi trường sau xử lý đều đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Sau hơn 1 năm đưa nhà máy xử lý nước thải vận hành đã giúp cho thành phố Lạng Sơn ngày càng xanh, sạch hơn. Đặc biệt, các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trước đây như khu vực chợ Giếng Vuông, suối Lao Ly, chợ bờ sông, chợ Đông Kinh đã cơ bản được xử lý. Ngoài ra, từ hoạt động của hệ thống thu gom xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ đã cơ bản chấm dứt hoạt động xả thải nước sinh hoạt trực tiếp xuống sông Kỳ Cùng tại 4 phường: Đông Kinh, Vĩnh Trại, Tam Thanh và Hoàng Văn Thụ.
Hạng mục nhà máy xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng, trong đó, giá trị các gói thầu xây lắp nhà máy hơn 142 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư do Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ 85% giá trị xây lắp và thiết bị. Khu vực xây dựng nhà máy đạt tại thôn Nà Pàn, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, diện tích sử dụng đất xây dựng nhà máy hơn 3 ha, kinh phí giải phóng mặt bằng từ nguồn đối ứng từ ngân sách nhà nước. |
Ý kiến ()