Phải coi là quốc kế dân sinh, bởi nhà máy ra đời đã cứu cả khai trường mỏ than Na Dương đang trên bờ vực ngừng hoạt động và cả ngàn công nhân trước nguy cơ mất việc làm. Trước đó, mỏ than Na Dương với trữ lượng cả trăm triệu m3 từng là nơi cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà máy xi măng trong cả nước. Nhưng với đặc điểm là nhiệt lượng thấp, hàm lượng lưu huỳnh cao cùng với đó là sự phát triển về công nghệ, các nhà máy xi măng dần chuyển đổi, than Na Dương mất dần thị trường tiêu thụ. Đỉnh điểm là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Đứng trước nguy cơ đó, Tổng công ty than Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ dự án xây nhà máy nhiệt điện Na Dương, một mặt để tiêu thụ sản phẩm than Na Dương, mặt khác đáp ứng nhu cầu điện năng của cả khu vực miền núi phía Bắc và năm 1998, dự án đã được phê chuẩn.
Nếu kể cả chặng đường thi công, lắp đặt Nhà máy, thì là cả một quá trình rất dài và phức tạp. Ông Phạm Đức Tuyên, Phó Giám đốc nhà máy nhiệt điện Na Dương cho biết: quá trình đằng đẵng ấy ghi dấu sự cố gắng, nỗ lực của các chuyên gia nước ngoài và cả đội ngũ cán bộ, công nhân viên của nhà máy. Để rồi năm 2005, khi nhà máy được nghiệm thu và chính thức được đưa vào vận hành thương mại, các nước trong khu vực Đông nam Á đã phải trầm trồ với một nhà máy có công nghệ hiện đại bậc nhất, vừa tiêu thụ được lượng than nhiệt lượng thấp, vừa đảm bảo công suất thiết kế và đảm bảo cho môi trường. Ông Tuyên nhớ lại: lúc ấy phải kể tới chiến lược đào tạo cán bộ của Tổng công ty, trong suốt cả quá trình hàng trăm công nhân đã được đưa đi đào tạo trong và ngoài nước. Khi đưa vào vận hành chính thức, vướng mắc đầu tiên là khâu giải quyết xỉ thải. Hiểu nôm na rằng, khâu này không được giải quyết triệt để sẽ gây ra tắc lò, cả dây chuyền lập tức sẽ ngừng vận hành và công trình quan trọng này chỉ còn là khối sắt thép vô tri. Nhưng với những kiến thức đã được đào tạo, các công nhân Nhà máy nhiệt điện Na Dương đã chứng minh được khả năng làm chủ công nghệ của mình, giải quyết triệt để vấn đề xỉ thải, góp phần quan trọng để nhà máy hoạt động một cách tối ưu. Trong suốt quá trình hoạt động, nhà máy luôn được điều chỉnh, bổ sung các chi tiết kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện hoạt động. Chẳng hạn như cán bộ, công nhân viên của nhà máy đã điều chỉnh, bổ sung hệ thống gia nhiệt cho nước khử khoáng để tăng chất lượng nước cung cấp cho lò hơi hay như cải tạo sàng nghiền than để hợp lý hơn để tiêt kiệm nhiên liệu, tăng hiệu suất…Từ những nghiên cứu, hiệu chỉnh ấy, từ năm 2006 đến nay, Nhà máy nhiệt điện Na Dương đã cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 5 tỷ KWh điện. Tổng doanh thu đạt trên 500 tỷ đồng/năm. Ông Vũ Sơn Tám, Chủ tịch Công đoàn nhà máy cho biết: cùng với sự phát triển của nhà máy, đời sống của cán bộ, công nhân viên đã không ngừng được nâng lên, hiện tại nhà máy có 350 cán bộ, công nhân và mức thu nhập bình quân năm 2012 phấn đấu ở mức gần 8 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy đã xây dựng 2 khu nhà ở cho công nhân, ngoài ra vẫn tiếp tục mở rộng khu tập thể cho các gia đình công nhân yên tâm sinh sống và công tác. Các bữa ăn ca được quan tâm phục vụ tại chỗ, ngay kịp trực làm việc.
Anh Hà Quang Thứ, công nhân phòng kỹ thuật nhà máy tâm sự: mặc dù công tác xa nhà, nhưng anh luôn ổn định tư tưởng bởi luôn được sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo, công đoàn nhà máy. Các phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao được duy trì đều đặn, nhà máy đã xây dựng đầy đủ sân vận động, nhà thể chất cho công nhân, cùng với đó môi trường học tập rèn luyện luôn được tạo điều kiện tối đa. Khuyến khích và khen thưởng kịp thời những sáng kiến, ý tưởng của công nhân để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của nhà máy. Năm 2009, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện Na Dương giai đoạn II, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 180 triệu USD. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, dự kiến khởi công trong năm 2012 và đi vào hoạt động trong năm 2015. Xây dựng được đội ngũ công nhân vừa hồng vừa chuyên, làm chủ được công nghệ hiện đại, nhà máy nhiệt điện Na Dương đã sẵn sàng cho tiến trình mở rộng quy mô hoạt động, góp nguồn sáng vào lưới điện quốc gia.
Ý kiến ()