Nhà máy điện nguyên tử di động duy nhất trên thế giới từng được Liên Xô chế tạo
Kể từ sau Thế chiến II, nhiều thành tựu của Liên Xô trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến nay ngay cả các nước tiên tiến vẫn chưa thể vượt mặt. Một trong những công trình độc nhất vô nhị đó là nhà máy điện nguyên tử di động “Pamir-630D”, dùng để hoạt động tại vùng Cực Bắc.
Lịch sử ra đ ời nh à m á y đ iện nguy ê n tử di đ ộng của Li ê n X ô
Vào những năm 1950, ý tưởng xây dựng trạm năng lượng nguyên tử có thể vận chuyển được vẫn còn là “chuyện viển vông”. Nếu có thể lắp đặt những lò phản ứng hạt nhân trên tàu thủy nguyên tử và tàu ngầm, thì tại sao không thể đưa chúng lắp vào các phương tiện trên cạn? Vì vậy, ý tưởng đặt nhà máy điện nguyên tử “trên các bánh xe” di động đã làm cho Bộ trưởng Bộ Chế tạo cơ khí hạng vừa Liên Xô Efim Slavsky lúc đó tỏ ra hào hứng. Bởi lẽ, điều này sẽ giúp Liên Xô đảm bảo cho người dân vùng Cực Bắc và Viễn Đông của nước này nguồn năng lượng điện và nhiệt sưởi ấm với giá rẻ. Tại thời điểm đó, chính phủ Liên Xô phải cung cấp cho những khu dân cư và căn cứ quân sự ở Bắc Cực hàng triệu tấn nhiên liệu mỗi năm.
Theo các tác giả Bộ bách khoa toàn thư “Chế tạo cơ khí” (tập IV-25), việc nghiên cứu chế tạo các trạm điện hạt nhân di động thế hệ đầu tiên được tiến hành vào những năm 1950-1960. Trên cơ sở phản ứng năng lượng nước-nước, người ta đã tạo ra lò nhiệt điện được lắp trên khung gầm của xe tăng T-10. Trong số những trạm di động thời kỳ đó có trạm ARBUS (Trạm hình khối Nam Cực), cũng như thiết bị BK-50 đến nay vẫn còn hoạt động tại thị trấn Dimitrovgrad (Bulgaria).
Thế hệ thứ hai của nhà máy điện nguyên tử di động là những trạm “Phương Bắc-2” và “Volnolom-3”, được xây dựng vào những năm 1970. Năm 1981, Viện nghiên cứu Kurchatov đã đưa vào vận hành trạm nhiệt điện trưng bày-thử nghiệm “Gamma”. Trạm này sau đó hoạt động được gần 20 năm.
Nhà máy điện nguyên tử di động “Pamir-630D”. Nguồn: russian7.ru. |
Nhà máy điện nguyên tử “đặt trên bánh xe”
Kinh nghiệm tích lũy được là rất hữu ích cho những nhà thiết kế nhà máy điện nguyên tử di động “Pamir-630”. Việc thiết kế chế tạo nhà máy này diễn ra tại Viện Năng lượng hạt nhân (thuộc Viện hàn lâm khoa học Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Belarus) vào những năm 1976-1985. Đầu những năm 1980, người ta đã xây dựng hai mẫu thử nghiệm, những mẫu này tại thời điểm đó là những nhà máy điện nguyên tử “đặt trên bánh xe” duy nhất trên thế giới.
Nhìn bề ngoài, nhà máy điện nguyên tử di động “Pamir-630D” là một tổ hợp gồm toa rơ-moóc nặng hàng tấn được gắn vào đầu xe máy kéo quân sự MAZ-796. Phía sau những tấm chắn kim loại kiên cố, người ta đặt lò phản ứng công suất 630 kW và các khối tuabin phản lực. Trên hai chiếc xe khác là các máy tính điều khiển “Minsk” và khoang làm việc cho đội ngũ nhân viên vận hành lên tới 28 người.
Những chiếc xe có sức vượt địa hình cao có thể vận chuyển “Pamir-630B” đến bất kỳ vị trí nào trên đài nguyên và đầm lầy của vùng Cực Bắc. Nhà máy điện nguyên tử khi đó sẵn sàng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ môi trường thấp nhất.
Khai tử “Pamir-630D”
Các nhà chế tạo mong muốn tạo ra nhà máy điện nguyên tử di động có thể hoạt động liên tục 2.000 giờ. Tuy nhiên, một trong hai nhà máy “Pamir-630D” đã vận hành được 3.000 giờ, và thực tế, nhà máy này chạy ở công suất thấp hơn so thiết kế. Trong khi đó, lượng nhiên liệu hạt nhân dự trữ đủ để chạy thêm vài năm nữa.
Đến đầu giai đoạn thực hiện chính sách “Cải tổ”, chính phủ Liên Xô dự tính rằng, những nhà máy điện nguyên tử công suất nhỏ sau này sẽ đảm bảo năng lượng điện và nhiệt sưởi ấm cho khoảng 33 khu dân cư ở vùng Cực Bắc của nước này. Tuy nhiên, sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã dẫn đến việc hủy bỏ các chương trình phát triển năng lượng nhỏ được chính phủ Liên Xô phê duyệt trước đó.
Đáng chú ý, nhà máy điện nguyên tử di động “Pamir-630” hầu như không gây ra mối nguy hiểm nào, bởi các nhà thiết kế đã cài đặt vào hệ thống 3 cấp độ an toàn. Để loại trừ yếu tố con người, nhà máy này có thể vận hành ở chế độ tự động hóa tối đa. Tuy nhiên, việc thử nghiệm được tiến hành chỉ cách thành phố Minsk của Belarus chừng 6km. Vì vậy, đối với những người mới trải qua hậu quả của sự cố Chernobyl như người dân Belarus, thì đây là điều không hề dễ chịu về mặt tâm lý. Tháng 2-1988, Ủy ban quốc gia Liên Xô đã quyết định dừng thử nghiệm “Pamir-630D”.
Những dự án xây dựng trạm năng lượng hạt nhân mới được các nhà khoa học trong nước đưa ra đầu những năm 1990 cũng chỉ nằm trên giấy, do Nga khi đó thiếu nguồn ngân sách triển khai. Sang thế kỷ XXI, nhiều nước trên thế giới bắt đầu quan tâm trở lại việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử công suất nhỏ. Rất có thể, kinh nghiệm của các nhà thiết kế chế tạo “Pamir-630” sẽ tiếp tục có ích cho Nga, nhất là trong bối cảnh sự hiện diện của nước này tại Bắc Cực ngày càng có ý nghĩa chiến lược và địa chính trị.
Ý kiến ()