Nhà máy chế biến tinh dầu quế Tràng Định: Góp phần nâng cao giá trị cây quế
– Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng thời gian qua, Nhà máy chế biến tinh dầu quế Tràng Định, thôn Bản Trại, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định đã thu mua cành, lá quế của người dân các xã trên địa bàn huyện với số lượng lớn để sản xuất tinh dầu quế xuất khẩu. Qua đó, góp phần giúp nhân dân tận thu các phụ phẩm từ cây quế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Quế là một trong những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Tràng Định. Hiện nay, diện tích cây quế toàn huyện hơn 6.000 ha, tập trung tại các xã: Khánh Long, Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Yên, Tân Tiến, Vĩnh Tiến, Kim Đồng. Hằng năm, cùng với việc khai thác vỏ quế, người dân trồng quế tại địa bàn đều cắt tỉa cành, lá quế để cây sinh trưởng và phát triển, trước đây, khi chưa có đơn vị thu mua, cành, lá quế đều được bỏ đi không đem lại giá trị kinh tế.
Công nhân Nhà máy chế biến tinh dầu Tràng Định chuẩn bị cho cành, lá quế vào máy chưng cất
Ông Phạm Bá Triệu, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh dầu quế cho biết: Từ đầu năm 2022, chúng tôi đã tiến hành khảo sát vùng trồng nguyên liệu tại các xã thuộc huyện Tràng Định. Nhận thấy huyện có tiềm năng, thế mạnh về phát triển cây quế, hằng năm, sản lượng quế người dân khai thác đạt cao, tháng 8/2022, chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế tại xã Kháng Chiến với diện tích 7.000 m2, tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Đến tháng 12/2022, nhà máy đi vào hoạt động, theo đó, đơn vị chủ yếu thu mua cành, lá quế của người dân nơi đây để sản xuất, chế biến tinh dầu quế.
Để có nguồn nguyên liệu ổn định chế biến tinh dầu quế, nhà máy đã ký hợp đồng thu mua cành, lá quế với các đại lý tại tất cả các xã trồng quế trên địa bàn huyện. Đến nay, đơn vị đã có 15 đại lý thu mua ở các xã, với giá thu mua cành, lá quế ổn định từ 2.200 đồng đến 2.500 đồng/kg.
Ông Hoàng Văn Trường, thôn Hợp Lực, xã Kim Đồng cho biết: Trước đây, khi chưa có nhà máy chế biến tinh dầu quế thu mua, gia đình tôi cũng như người dân trong xã chủ yếu bỏ cành, lá quế trong quá trình khai thác, cắt tỉa cây hằng năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, do được thu mua, gia đình tôi đã bán được khoảng 10 tấn cành, lá quế; ngoài ra, tôi cũng thu mua của bà con trong xã để bán cho nhà máy. Ước tính từ đầu năm đến nay đã thu mua được khoảng 300 tấn cành, lá quế bán cho nhà máy, từ đó giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, hộ nhiều cũng thu nhập được 50 đến 60 triệu đồng.
Để sản xuất, chế biến tinh dầu quế, nhà máy đầu tư dây chuyền chưng cất tinh dầu hiện đại, trung bình mỗi ngày, nhà máy thu mua 30 đến 40 tấn cành, lá quế của bà con, ngày cao điểm thu mua được khoảng 60 tấn. Trung bình mỗi ngày, nhà máy sản xuất được 200 kg dầu quế. Hiện dầu quế chủ yếu được xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ… Nhờ hoạt động hiệu quả, trung bình mỗi tháng, doanh thu đạt 2 đến 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Từ hiệu quả trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhà máy chế biến tinh dầu quế Tràng Định không chỉ tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân tận thu các phụ phẩm từ cây quế mà còn góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm thu hoạch. Qua đó, góp phần giúp người dân trồng quế có thêm nguồn thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích vùng trồng quế, đồng thời ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cành, lá quế cho bà con; xây dựng nhà xưởng tiến hành thu mua vỏ quế để chưng cất tinh dầu dành cho phân khúc khách hàng cao cấp, góp phần tăng thu nhập cho người trồng quế trên địa bàn huyện.
Ý kiến ()