Nhà không số, phố không tên: Những chuyện dở khóc, dở cười
LSO- Hơn 6 năm nay, ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, gần 100 hộ gia đình ở khu tái định cư khối 9, phường Đông Kinh vẫn chấp nhận sống không địa chỉ liên lạc, mọi sinh hoạt đều bất lợi vì nhà không có số, phố không có tên.
Từ sinh hoạt thường ngày…
Được ngày mẹ chồng ở quê lên chơi, chị Hà Thị Thơm nấu đãi bà món cải ngồng luộc – đặc sản Xứ Lạng. Vừa thả rau vào nồi nước sôi thì lửa tắt lịm. Bếp hết ga. Chị vội vàng gọi điện cho cửa hàng ga gần đó. 10 phút, 20 phút sau vẫn chưa thấy người mang ga đến. Chị điện lại rồi vội vàng chạy xe ra đầu phố, đứng đó và vẫy. Khi nhân viên mang được ga đến nhà, nồi cải ngồng luộc của chị đã chuyển sang màu vàng úa.
Chị Thơm thở dài, nói: “Không phải riêng chị đâu. Ở khu này, ai cũng thế. Nhà ở mặt đường nhưng mỗi khi cần gọi ga, gọi nước, xe taxi, lắp đặt truyền hình cáp, Internet… đều phải hẹn ở đầu phố hoặc gần Trường Mầm non Tư thục Đông Kinh rồi chạy ra đó đón”.
Người dân bức xúc về vấn đề tên phố, số nhà
…Đến sản xuất kinh doanh
Không chỉ trong sinh hoạt thường ngày, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong khu vực này cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhà thuốc Đông y Nông Huỳnh Đường đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Nhưng từ lúc về sống và kinh doanh ở khu tái định cư này, nhiều khách hàng quen của ông kể cả người trong thành phố Lạng Sơn cũng phải mất công vòng vèo mãi mới tìm thấy nhà. Người ở xa hơn thì phải gọi điện thông báo trước để ông cử người ra đón. Có khách đến khám rồi nhưng khi khám lại thì vẫn bị nhầm đường.
Theo quan sát của phóng viên, trong khu này có một số trường học, điểm kinh doanh như: Trường Mầm non Tư thục Đông Kinh, Nhà hàng Cá lăng Việt Trì… phải cắm biển chỉ dẫn từ đường Bà Triệu, đoạn bắt đầu rẽ. Còn một số quán cà phê, nhà thuốc… như nhà thuốc đông y kể trên thì phải phân công người chỉ dẫn, đưa đón khách từ đầu phố.
Hiện nay khu tái định cư tổ 6, khối 9, phường Đông Kinh có gần 100 hộ gia đình sinh sống
Gần 100 sổ hộ khẩu giống nhau địa chỉ
Theo quy định, chuyển sang chỗ ở mới, người ta phải thay đổi sổ hộ khẩu để tiện cho công việc, con cái học hành. Do không có tên phố, số nhà nên 100% sổ hộ khẩu ở khu vực này giống nhau hoàn toàn về địa chỉ “Tổ 6, khối 9, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn”.
Ông Phạm Văn Thụy, tổ trưởng dân phố bức xúc nói: “Hơn 6 năm nay, các hộ dân ở khu vực này phải sống trong cảnh “nhà không số, phố không tên” thực sự rất bất lợi. Từ các giao dịch dân dụng như điện nước thông thường đến việc kinh doanh buôn bán. Tại các buổi họp tổ dân phố, tôi luôn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình không được tự ý chọn lựa, đặt số nhà để tránh tình trạng số nhà lộn xộn như các khu khác. Và đến thời điểm này, gần 100 hộ dân chúng tôi vẫn và chỉ biết chờ đợi”.
Được biết, ngày 11/12/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 154/2014/NQ-HĐND về việc đặt tên đường phố và các công trình công cộng tại thành phố Lạng Sơn, các thị trấn: Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), Lộc Bình (huyện Lộc Bình) và Na Sầm (huyện Văn Lãng). Trong đó có việc đặt tên 8 tuyến phố ở khu tái định cư khối 9, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Trên cơ sở đó, ngày 26/3/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 418/QĐ-UBND giao UBND thành phố Lạng Sơn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc gắn biển tên đường phố theo quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Côi, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: “Sau khi nhận được Quyết định của tỉnh, UBND thành phố đã giao Phòng Quản lý đô thị thực hiện, trong tháng 8 này sẽ hoàn thành việc gắn biển cho các tuyến phố ở khu tái định cư khối 9, phường Đông Kinh để thực hiện tốt hơn công tác quản lý đô thị, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa – xã hội”.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()