Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển của AI.
GS Yann LeCun là một trong số các nhà khoa học hàng đầu thế giới tham gia tọa đàm “Triển khai Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế” diễn ra vào ngày 4-12 tới tại Hà Nội. Đây là phiên thảo luận thứ ba trong chuỗi tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”, thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.
AI thay đổi hoàn toàn cách thức con người thực hiện công việc hàng ngày
AI hiện là công nghệ nền tảng, cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp. Các mô hình AI tiên tiến nhất hiện nay (Llama 3, GPT-4 và Gemini 1.5) không chỉ nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tiễn, trở thành trợ thủ đắc lực cho con người trong xử lý công việc hàng ngày. Tuy nhiên, khả năng thu thập và phân tích lượng thông tin khổng lồ của AI làm dấy lên những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân và lạm dụng dữ liệu.
“Việc VinFuture quan tâm đến AI và Học sâu - những bước tiến công nghệ quan trọng nhất đang thúc đẩy năng suất của xã hội - là điều rất quan trọng và tuyệt vời. Tôi trông đợi được cùng các chuyên gia hàng đầu thảo luận về các tác động xã hội của AI, chứng minh rằng nó mang lại lợi ích cho hàng triệu người”, TS Xuedong Huang, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, chủ tọa dẫn dắt buổi tọa đàm nói.
Theo TS Huang, nhà khoa học máy tính hàng đầu thế giới về xử lý ngôn ngữ nói, là đồng tác giả của hơn 170 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, hai cuốn sách và hơn 100 bài báo trong lĩnh vực AI, một thực tế đã và sẽ càng diễn ra sâu sắc hơn trong cuộc sống là việc AI sẽ trở thành người bạn đồng hành quan trọng, giúp tối ưu hóa các công việc thường ngày của con người. Ông ví dụ, thay vì dành nhiều thời gian đọc cuốn sách 500 trang, chúng ta có thể dùng các công cụ AI để tóm tắt nội dung và gạch ra các ý quan trọng của cuốn sách đó theo yêu cầu của người dùng.
“Công cụ chúng ta có từ AI sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta thực hiện những công việc hằng ngày, dù đó là nghiên cứu khoa học hay công việc văn phòng. Hiệu suất công việc tăng lên sẽ thúc đẩy hai khả năng cơ bản của con người là học hỏi và tiếp thu thông tin”, TS Huang cho hay.
Ngoài ra, ông Huang nhấn mạnh khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên của AI giúp con người mở rộng hiểu biết và diễn đạt ngôn ngữ tốt hơn. Ông cho biết hiện nay, AI đã có thể hiểu khoảng 200 trên 7.000 ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới, trong khi con người thường chỉ sử dụng thành thạo ít hơn 5 ngôn ngữ.
“AI sẽ tham gia vào quá trình cải thiện đọc hiểu và diễn đạt hiểu biết, ý tưởng của chúng ta. Tôi tin AI sẽ dần hiểu hết hàng nghìn ngôn ngữ và xóa nhòa các rào cản ngôn ngữ, kéo gần khoảng cách người với người”, TS Huang chia sẻ.
Trong khi đó, GS Yann LeCun, người đã công bố hơn 200 bài báo và nhận nhiều giải thưởng về AI, học sâu và mô hình mạng nơ-ron tính chập, lại nhấn mạnh vai trò của công nghệ AI trong việc tạo ra nền tảng dữ liệu mở, miễn phí dành cho tất cả mọi người.
“Các hệ thống AI được đào tạo dựa trên tất cả dữ liệu của thế giới, vì vậy chúng hiểu biết mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa hay hệ thống giá trị. Cuối cùng, chúng sẽ trở thành kho lưu trữ tất cả tri thức của con người. Đây là kho tàng cần được phân phối công bằng, rộng rãi để mang lại lợi ích cho mọi người”, GS LeCun nói.
TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc VinAI, thuộc Tập đoàn Vingroup, đồng tình với quan điểm cần phổ cập AI để nhân rộng lợi ích của nó: "Tương lai không chỉ nằm ở việc tạo ra những công nghệ AI mạnh mẽ hơn, mà còn ở việc đưa công nghệ này tới tầm tay của tất cả mọi người. Tuy nhiên, để chạy được các mô hình AI cần có cơ sở hạ tầng tiên tiến và tài nguyên tính toán khổng lồ. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc ứng dụng AI rộng rãi, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển. Để giải quyết được bài toán này, ta cần có những biện pháp tối ưu hóa AI, khiến AI đủ hiệu quả, đủ gọn nhẹ để chạy tốt trên các thiết bị và trên các điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau".
AI thông minh hơn là an toàn hơn
Theo TS Huang, công nghệ nào cũng có ưu và nhược điểm, quan trọng là phải có cách tiếp cận cân bằng, đảm bảo sử dụng an toàn. “Chúng ta thật sự cần tận dụng AI, nhưng không hoàn toàn dựa vào nó. Chúng ta cần đảm bảo AI hợp tác với con người để hoàn thành công việc, đồng thời không xem nhẹ tư duy phản biện của con người”, TS Huang nhận xét.
Trước một bộ phận ý kiến lo ngại rằng các hệ thống AI sẽ ngày càng thông minh và có thể cạnh tranh, kiểm soát con người, GS LeCun không cho rằng việc đó sẽ xảy ra.
“AI có thể trả lời mọi câu hỏi và giúp chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Đến một ngày, chúng có thể thông minh hơn con người. Nhưng chúng ta không nên bị đe dọa bởi điều đó, mà nên cảm thấy có cơ hội tận dụng AI để có cuộc sống tốt hơn. Hãy tưởng tượng bạn có một đội ngũ nhân viên thông minh là các công nghệ AI giúp bạn làm việc”, GS LeCun lý giải.
Khác với phần đông các nhà nghiên cứu cùng lĩnh vực, GS LeCun giữ một thái độ rất lạc quan về tương lai của AI và tiềm năng của công nghệ này. “Tôi nghĩ điểm khác biệt giữa chúng tôi là tôi có niềm tin vào các tổ chức và viện nghiên cứu, sẽ tối đa hóa lợi ích của công nghệ AI vào những điều tốt đẹp. Chúng ta cần phải tiếp tục phát triển AI thông minh hơn, vì AI thông minh hơn là an toàn hơn”.
TS Bùi Hải Hưng cho biết đây cũng chính là định hướng của VinAI: "Là một công ty nghiên cứu và ứng dụng AI, chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển công nghệ này một cách có kiểm soát và trách nhiệm. Song song với việc tạo ra các công nghệ AI tiên tiến, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi luôn chú trọng phát triển các cơ chế và tiêu chuẩn để đảm bảo AI hoạt động an toàn, minh bạch và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội".
Tham gia chuỗi tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”, GS LeCun đánh giá cao nỗ lực của Quỹ VinFuture trong việc kết nối và thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam. Trong khi đó, TS Xuedong Huang cũng rất trông đợi vào những quan điểm và góc nhìn cấp tiến nhất đến từ những chuyên gia AI hàng đầu, đồng thời lắng nghe những trao đổi chuyên môn và nỗ lực không ngừng thúc nhằm đẩy áp dụng công nghệ tiên tiến này vào mọi khía cạnh cuộc sống.
Tọa đàm “Triển khai AI trong thực tế” là một trong chuỗi 4 tọa đàm khoa học nằm trong Tuần lễ trao giải VinFuture mùa 4, bên cạnh các tọa đàm với chủ đề: “Vật liệu cho tương lai bền vững” (4-12), “Ô nhiễm không khí và Giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” (5-12) và “Những đổi mới trong Chăm sóc sức khỏe tim mạch và Điều trị đột quỵ” (5-12). Thời gian: 13 giờ 30 – 14 giờ 45 phút. Ngày: 4-12-2024 Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế Almaz, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội Link đăng ký: Tại đây Chủ tọa: TS. Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ tại Zoom Video Communications (Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture Diễn giả - Các nhà khoa học hàng đầu thế giới: ● GS Đỗ Ngọc Minh - Giáo sư Endowed Thomas và Margaret Huang tại Khoa Kỹ thuật Điện tử & Khoa học Máy tính, Đại học Illinois, Urbana-Champaign (Hoa Kỳ), Phó Hiệu trưởng danh dự trường Đại học VinUniversity (Việt Nam) ● TS Bùi Hải Hưng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, thuộc tập đoàn Vingroup (Việt Nam) ● GS Yann LeCun - Phó chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), đồng thời là Giáo sư Silver tại Đại học New York (NYU - Hoa Kỳ) GS Leslie Gabriel Valiant - Giáo sư T Jefferson Coolidge về Khoa học Máy tính và Toán ứng dụng tại trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Chủ nhân Giải thưởng A.M. Turing 2010 |
Ý kiến ()