Ông Lường Văn Pảo, Chủ tịch UBND xã Đồng Bục cho biết: Vụ đông vừa qua, diện tích khoai tây ở Đồng Bục tăng mạnh. Trong đó, diện tích trồng khoai tây Hà Lan chất lượng cao được cung ứng chiếm gần 25 ha, tăng gấp 5 lần diện tích vụ khoai tây trước. Để trồng được diện tích này, cả xã Đồng Bục đã nhận cung ứng 21 tấn giống khoai tây Hà Lan của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN. Tuy nhiên, giống khoai tây Hà Lan do Trung tâm cung ứng trong vụ đông vừa qua không đạt được sản lượng như bà con mong đợi. Chính vì vậy mới có chuyện bà con không thực hiện đúng thỏa thuận trong việc trả lại khoai tây thương phẩm cho Trung tâm.
Tìm hiểu thực tế được biết, trên 95% diện tích khoai tây giống Hà Lan trồng trên những cánh đồng ở Đồng Bục cho kết quả chưa cao, sản lượng đạt 80 tạ/ha, giảm 40% so với dự kiến. Vậy là, lại một vụ thu hoạch khoai tây nữa người dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình rơi vào tình cảnh lao đao. Thiệt hại về vật chất có thể tính bằng số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhưng lớn hơn cả đó chính là những ảnh hưởng về mặt tinh thần. Những hộ dân trồng khoai tây của xã Đồng Bục, đang mất dần niềm tin đối với loại cây trồng từng được coi là cây chủ lực ở nơi đây.
Đầu tháng 4 này, chúng tôi “mục sở thị” cảnh bà con chọn khoai tây thương phẩm trả cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN mới thấy xót. Tiêu chuẩn mà Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CNcủa Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đặt ra đó là những củ khoai tây phải đạt kích cỡ từ 3cm trở lên, trong khi số lượng này không nhiều. Do đó ngoài số lượng để trả cho Trung tâm, bà con không còn bao nhiêu, hiện những người trồng khoai tây của xã Đồng Bục đang phải tranh thủ thời gian, kỳ công để phân loại khoai tây theo từng kích cỡ khác nhau.
Nói về chất lượng khoai tây, bà Nguyễn Thị Đảng và bà Lường Thị Xuôi ở thôn Lăng Xè cho biết: Vụ khoai tây đông vừa qua không thuận lợi, chất lượng giống chưa tốt khiến sản lượng đạt không cao. Chính vì vậy, bà con đã có ý kiến với Trung tâm giảm số lượng khoai thương phẩm phải trả nhằm giảm bớt những khó khăn cho người nông dân. Về việc này lãnh đạo Sở KH&CN lại có quan điểm khác với bà con nông dân Đồng Bục. Vụ đông này Trung tâm cung ứng khoảng 60 tấn giống phục vụ bà con toàn tỉnh. Xã Đồng Bục là một trong những địa phương được Trung tâm cung ứng số lượng giống lớn nhất. Tuy nhiên, do bà con trồng chậm so với thời vụ, khâu chăm sóc cũng chưa đúng kỹ thuật nên chất lượng cũng như sản lượng khoai bị ảnh hưởng. Có thể nói, nguyên nhân làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng khoai tây Hà Lan chất lượng cao có thể là do thời tiết như cán bộ khoa học nói và cũng có thể là do tại giống như người dân nói… Nhưng dù là lý do gì thì bây giờ người nông dân vẫn là người đang phải gánh chịu thiệt hại lớn nhất. Và qua câu chuyện này có thể thấy sự liên kết giữa nhà khoa học và nhà nông chưa thực sự chặt chẽ. Mối liên kết thiếu chặt chẽ đã khiến nông dân không an tâm đầu tư, sản xuất. Theo đánh giá của các ngành chức năng, trong chương trình liên kết 4 nhà, ngoài vai trò của nhà nước thì nhà khoa học giữ vai trò rất quan trọng, bởi chỉ có họ mới giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất… nhưng việc thiếu những cơ chế rõ ràng khiến vai trò của “nhà” này không được đề cao.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà chuyên môn khuyến cáo rằng, trong sản xuất nông nghiệp phải có sự liên kết 4 nhà. Chính sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà này sẽ góp phần giúp cho nền nông nghiệp có tính ổn định và bền vững cao. Kinh nghiệm về sự liên kết 4 nhà ở nhiều địa phương cho thấy, ở đâu có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học với nhà nông thì ở đó mô hình có tính bền vững, ổn định cao. Mô hình liên kết bảo vệ thương hiệu và trồng na dai Chi lăng là một điển hình. Nhiều năm qua, nhờ sự hợp tác bền chặt giữa Sở KH&CN Lạng Sơn, Sở NN&PTNT đã giúp hàng nghìn hộ nông dân trồng na dai ở Chi Lăng thật sự an tâm đi theo quy trình canh tác mới. Ngoài na, mong sao những vụ khoai tây tiếp theo những nhà khoa học và bà con nông dân sẽ liên kết chặt hơn.
Ý kiến ()