Nhà khoa học nữ và những công trình thân thiện môi trường
PGS, TS Vũ Thị Thu Hà tại phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu. Một trong hai gương mặt nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay là PGS,TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện Trưởng Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu. Chị là cán bộ khoa học đầu tiên và duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã và đang đi sâu nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể, ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.Năm 1992, tốt nghiệp khoa Hóa, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, chị về công tác tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam. Những ngày đầu, đồng lương cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ không đủ sống nhưng chị vẫn dành dụm những đồng tiền ít ỏi để học thêm tiếng Pháp. Năm 1996, nhận học bổng của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, chị khăn gói sang TP Li-ông (Pháp) du học. Sau ba năm, chị hoàn thành cả luận...
PGS, TS Vũ Thị Thu Hà tại phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu. |
Năm 1992, tốt nghiệp khoa Hóa, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, chị về công tác tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam. Những ngày đầu, đồng lương cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ không đủ sống nhưng chị vẫn dành dụm những đồng tiền ít ỏi để học thêm tiếng Pháp. Năm 1996, nhận học bổng của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, chị khăn gói sang TP Li-ông (Pháp) du học. Sau ba năm, chị hoàn thành cả luận án thạc sĩ và tiến sĩ và trở về Tổ quốc làm công tác nghiên cứu.
Năm 2003, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam triển khai dự án xây dựng Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu, chị được lãnh đạo viện tin tưởng giao trọng trách quản lý. 20 năm công tác tại viện, PGS,TS Vũ Thị Thu Hà đã chủ trì 19 đề tài, tham gia 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, bộ và tập đoàn, nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc na-nô, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững. Theo PGS,TS Vũ Thị Thu Hà, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn quen sử dụng dung môi nguồn gốc hóa thạch, mỗi năm nhập khẩu vài trăm nghìn tấn, trong khi dung môi nguồn gốc thực vật có nhiều ưu điểm, như khả năng hòa tan tốt, ít bay hơi, không bắt cháy, không ảnh hưởng đến sức khỏe, có khả năng phân hủy sinh học. Nhận thấy điều đó, nhóm nghiên cứu của chị tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam và nhóm của Viện Nghiên cứu quá trình xúc tác Pháp đề xuất đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất dung môi sinh học từ các nguồn nguyên liệu tái tạo. Sau hai năm, nghiên cứu thành công với thành phần chính là metyl este dầu thực vật và este etyl lactate từ các nguồn nguyên liệu nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu được đăng ký độc quyền sáng chế tại Pháp năm 2011 và trên toàn thế giới. Kết quả này không chỉ mang tính sáng tạo, độc đáo, khả năng áp dụng thực tiễn, mà còn là minh chứng về khả năng hợp tác quốc tế hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng, trong đó nguồn nội lực chất xám Việt Nam là động lực chủ yếu.
Ngoài ra, những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao của PGS, TS Thu Hà được đưa vào triển khai trong thực tế, được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, như: dự án xây dựng nhà máy sản xuất biodiesel công suất 30 nghìn tấn/năm và dự án xây dựng nhà máy sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn công suất 20 nghìn tấn/năm. Quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học biodiesel được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn giới thiệu tại Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội nhân dịp Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.
Tới thăm phòng thí nghiệm trọng điểm vào một ngày đầu xuân, đội ngũ cán bộ, công nhân viên nơi đây nói với chúng tôi, sự nhiệt huyết, say mê nghiên cứu khoa học, không nản chí trước khó khăn, gian khổ của nữ giám đốc đã truyền lại cho họ. Bởi vậy, dưới sự điều hành của PGS thế hệ 7X này, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ hóa lọc dầu được đánh giá là một trong những phòng thí nghiệm tiên tiến, hoạt động hiệu quả nhất hiện nay. Đề cập sự “thiệt thòi” của những phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học, PGS, TS Thu Hà cho biết, phụ nữ làm khoa học thường thiệt thòi vì phải chia sẻ quỹ thời gian cho gia đình, con cái. Để có thể thu được những thành quả tốt đẹp, chúng tôi phải rất nỗ lực trong công việc. Chị tâm sự: “Lâu lắm rồi, tôi không có đủ thời gian để nấu bữa cơm chiều với những món ăn chế biến cầu kỳ cho gia đình, nhưng rất may mắn khi có sự chia sẻ, động viên của chồng. Ba năm nay, anh ấy không nhận công trình ở tỉnh xa, hy sinh công việc để vợ toàn tâm toàn ý với công việc.
Cũng như nhiều nhà khoa học nữ nhận Giải Cô-va-lép-xcai-a khác, chị Thu Hà không giấu được niềm tự hào khi những cống hiến của mình được ghi nhận. Giải thưởng là nguồn động viên quý giá tiếp sức cho chị nói riêng và cộng sự nói chung tiếp tục cống hiến xây dựng phòng nghiên cứu, không chỉ xứng đáng là một phòng nghiên cứu trọng điểm quốc gia mà còn ngang tầm trong khu vực và trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()