Nhà khoa học của nhà nông
– Những năm qua, bằng sự say mê khoa học, say mê sáng tạo, ông Vũ Văn Nhân (sinh năm 1977), Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Chi Lăng đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na để góp phần nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Ông Nhân (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả
Sinh ra và lớn lên tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, ông Nhân “bén duyên” với mảnh đất Chi Lăng từ cuối năm 2000. Từ đó đến nay, ông trải qua nhiều vị trí công tác và hiện đang là Chủ tịch HND huyện Chi Lăng. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được đồng nghiệp cũng như bà con nông dân quý mến.
Theo đó, ông Nhân đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp tại địa bàn huyện như: tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các mô hình trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp; trực tiếp triển khai công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với dự án hỗ trợ mở rộng diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; tham mưu tổ chức phát động sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng nông nghiệp tốt và mở rộng diện tích sản xuất các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Đặc biệt, ông còn trực tiếp triển khai công tác nghiên cứu, xây dựng mô hình ứng dụng khoa học đối với cây na trên địa bàn huyện.
Ông Vũ Văn Nhân cho biết: Nhận thấy địa bàn huyện Chi Lăng có địa hình núi đá, khí hậu thời tiết thuận lợi, thích hợp để cây na phát triển. Do đó, bản thân tôi luôn trăn trở muốn tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả này để góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, từ tháng 9/2017 đến tháng 3/2021, ông Nhân trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài triển khai nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về nội dung “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài có các nội dung chính là: xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác rải vụ na phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương; xây dựng mô hình canh tác rải vụ na có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho người trồng na tại Chi Lăng.
Cụ thể, đề tài đã tóm tắt một số kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Về thời vụ cắt tỉa cành, việc tuốt lá cưỡng bức được triển khai ở 4 ngưỡng thời gian khác nhau từ ngày 15/7 đến ngày 10/8 để tạo ra 2 vụ thu hoạch quả kéo dài từ 2 đến 4 tháng. Việc sử dụng vật liệu giữ ẩm AMS-1 (vật liệu Polyme siêu hấp thụ nước) với liều lượng 100 gam/cây trên đất không chủ động nước tưới giúp duy trì được độ ẩm của đất, sử dụng chất điều tiết sinh trưởng, phân vi lượng Atonik, phân bón Đầu Trâu… đã cho năng suất thực thu cao hơn, chất lượng và mẫu mã sản phẩm đẹp hơn…
Mô hình cũng đã được triển khai thực tế tại đất bãi và đất thấp sát chân núi. Đối với 1,5 ha mô hình canh tác rải vụ trên đất bãi, năng suất thực thu của mô hình đạt 21,5 kg/cây/năm (10,75 tấn/ha), năng suất tăng cao hơn 99%, thời gian thu hoạch quả rải vụ muộn hơn khoảng 3 – 4 tháng so với thu hoạch quả chính vụ. Mô hình đem lại lợi nhuận cao hơn 2,49 lần so với mô hình đối chứng của dân (thu quả chính vụ).
Còn đối với 1,5 ha mô hình canh tác rải vụ trên đất thấp sát chân núi, năng suất thực thu của mô hình đạt 19,7 kg/cây/năm (9,85 tấn/ha), năng suất tăng cao hơn 82,4%, thời gian thu hoạch quả rải vụ muộn hơn khoảng 3 – 4 tháng so với thu hoạch quả chính vụ, lợi nhuận cao hơn gấp 2,22 lần so với mô hình đối chứng của dân (thu quả chính vụ).
Sau đó, ông Nhân tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao cho nhiều người dân về quy trình kỹ thuật sản xuất na gối vụ nhằm góp phần mở rộng diện tích sản xuất na gối vụ. Đến nay, toàn huyện nhân rộng được hơn 200 ha na sản xuất gối vụ và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Ông Vũ Văn Nhân là người rất tâm huyết, luôn gắn bó, đồng hành cùng nông dân và là một trong những điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho trí tuệ, sức sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân.
Với những cống hiến đó, ông Nhân nhiều lần được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng. Đặc biệt, tháng 12/2022, ông Vũ Văn Nhân là cá nhân duy nhất của tỉnh trong 62 cá nhân tiêu biểu của cả nước được tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ IX năm 2022.
Ý kiến ()