Nhà giáo là yếu tố then chốt trong triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Ngày 27-4, tại Nhà Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc làm việc. |
Đoàn giám sát cho rằng, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là nhiệm vụ lớn, nhưng được bắt đầu triển khai trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 đã được Chính phủ, các bộ và địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực và các điều kiện bảo đảm để ngành giáo dục triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn đánh giá, công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện có việc chưa kịp thời. Việc mua sắm trang thiết bị dạy học vướng về thủ tục đấu thầu, mua sắm thiết bị; chưa ban hành quy định cơ chế tài chính trong việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa; việc phát hành tài liệu giáo dục địa phương, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số chưa có hướng dẫn về nhuận bút, in, phát hành.
Định mức giáo viên/lớp có sự khác nhau giữa cách xác định của ngành Giáo dục và Đào tạo với việc phân bổ biên chế sự nghiệp giáo dục của ngành Nội vụ; chưa có quy định vị trí việc làm đối với giáo viên các môn học mới và định mức chi cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán…
Quang cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. |
Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm, dẫn tới nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí kinh phí cho hoạt động.
Quy định cơ chế tài chính áp dụng cho Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Tài chính ban hành muộn.
Công tác tổng hợp, đánh giá hiệu quả các nguồn kinh phí phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông còn hạn chế. Kinh phí huy động từ xã hội còn yếu. Do vậy, Đoàn giám sát đề nghị các bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến chính sách ưu đãi về cho thuê đất, về thuế, về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… để khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
Cùng với đó, việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn (thiếu nguồn tuyển, thiếu sức hút); cơ chế đặt hàng, đào tạo của các địa phương theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP khó thực hiện do vướng cơ chế tuyển dụng theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP. Do chưa có quy định nên khó thực hiện điều động, luân chuyển giáo viên giữa các huyện, không khắc phục được tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu. |
Kết luận nội dung cuộc làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các bộ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp đồng bộ giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; rà soát cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhấn mạnh rằng đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai chương trình, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và đề xuất giải pháp.
Các bộ cần rà soát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình; giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm thiết bị dạy học.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo đảm kinh phí triển khai chương trình; thực hiện tốt chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách xã hội hóa, nhất là việc huy động các nguồn lực đầu tư xã hội hóa giáo dục…
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nha-giao-la-yeu-to-then-chot-trong-trien-khai-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-726423
Ý kiến ()