Nhà công vụ cho giáo viên: Vấn đề cần quan tâm
– Nhà công vụ là nơi sinh hoạt quan trọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, nhất là ở các trường vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nhà công vụ đã xuống cấp, chật chội, cần sự quan tâm, đầu tư nâng cấp để phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt cho giáo viên, đặc biệt ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Với những giáo viên công tác xa nhà, đặc biệt là các trường ở xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, mong muốn có nơi ăn ở, sinh hoạt hằng ngày là nhu cầu thiết yếu chính đáng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, để “bám trường, bám lớp”, một số giáo viên vẫn đang gặp khó khăn về nơi sinh hoạt.
Giáo viên Trường PTDTBT TH Ái Quốc, huyện Lộc Bình nấu ăn tại bếp nhà công vụ đã xuống cấp
Trong phòng công vụ khoảng 25 m2 dành cho giáo viên nữ, chị Trịnh Thị Hường và 5 cô giáo khác của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Ái Quốc, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình hằng ngày cùng sinh hoạt tại đây. Chị Hường cho biết: Nhà tôi ở xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, cách trường khoảng 65 km. Từ khi công tác tại trường năm 2020 đến nay, nhà công vụ như ngôi nhà thứ hai của tôi, vì phần lớn các ngày trong tuần tôi đều ở lại đây. Tuy nhiên, do phòng chật chội, ngoài sinh hoạt chung tại căn phòng này, 3 giáo viên khác hiện phải nghỉ tại phòng thư viện của trường.
Ngoài trường PTDTBT TH Ái Quốc, hiện nay, huyện Lộc Bình có 75 nhà công vụ với 105 giáo viên sử dụng, trong đó, có 5 phòng hiện hư hỏng nặng không sử dụng được, số còn lại hầu hết đều chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn. Số lượng nhà công vụ có sự thừa, thiếu cục bộ ở các nơi. Cụ thể là tại các trường PTDTBT, nhà công vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi ở một số trường khác lại không sử dụng đến.
Không chỉ huyện Lộc Bình, tại huyện Văn Quan, toàn huyện có 140 phòng công vụ thì 134 phòng ở mức bán kiên cố và 6 phòng tạm. Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: Hơn 80% số phòng công vụ trên địa bàn huyện được xây dựng từ giai đoạn năm 2000 – 2010, đến nay, hầu hết đều có những dấu hiệu xuống cấp. Hằng năm, chúng tôi đã tích cực huy động xã hội hóa, đóng góp ngày công để cải tạo, sửa chữa một số nhà công vụ, nhưng cũng chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời.
Theo thống kê của ngành GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 2.258 giáo viên đang sinh hoạt tại 854 nhà công vụ (diện tích từ 15 m2 đến 29 m2/phòng). Do việc xây dựng các nhà công vụ được thực hiện ở nhiều giai đoạn khác nhau (từ năm 1996) nên không đồng bộ về quy mô, diện tích; việc xây dựng còn chắp vá, một số nhà công vụ chỉ có phòng ở, sử dụng chung nhà vệ sinh hoặc không có phòng vệ sinh, phòng tắm; đa số các nhà công vụ bố trí sát với lớp học, sân trường… gây bất tiện trong sinh hoạt của giáo viên.
Bên cạnh đó, do trên 70% số nhà công vụ được xây dựng theo hình thức bán kiên cố, 5% là nhà tạm, thời gian xây dựng đã lâu nên khoảng 50% nhà công vụ được xây dựng từ trước năm 2008 đều đã xuống cấp như: trần hỏng, cửa hỏng, tường bong tróc và nứt, mái tôn bị dột thấm… Trong đó, có 120 nhà hiện nay không sử dụng được do đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Ngoài ra, qua khảo sát của ngành giáo dục, hiện còn 550 giáo viên có nhu cầu ở nhà công vụ (tương ứng với việc cần có thêm khoảng 275 phòng công vụ).
Từ thực trạng trên, hiện nay, nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh vẫn đang sử dụng những ngôi nhà công vụ xuống cấp, chật chội và chưa thuận tiện trong sinh hoạt.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để từng bước giải quyết vấn đề cấp thiết này, chúng tôi đã và đang tích cực tham mưu UBND tỉnh quan tâm dành nguồn lực cho việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên và xem xét việc ban hành “Đề án xây dựng và cải tạo, sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 – 2025”. Đồng thời, tiếp tục tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa các nhà công vụ xuống cấp, hư hỏng, từng bước tiến tới xây mới thêm nhà ở công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.
Từ 2012 đến nay, hằng năm, việc xây mới, sửa chữa nhà công vụ được thực hiện chủ yếu thông qua công tác xã hội hóa giáo dục nhưng chưa đáng kể, tổng số nhà công vụ được xây mới, sửa chữa thông qua công tác xã hội hóa là 57 phòng với tổng kinh phí huy động được trên 5 tỷ đồng. Có thể thấy rằng, đảm bảo nhu cầu về nhà công vụ cho giáo viên là vấn đề cấp thiết, lâu dài cần sự quan tâm thường xuyên của các cấp, ngành, địa phương và của toàn xã hội. Từ đó, góp phần đảm bảo, chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề, yên tâm công tác để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. |
Ý kiến ()