Nhà chình tường: Kiến trúc cần được bảo tồn
LSO- Lạng Sơn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, được biết đến với nhiều nét văn hóa độc đáo. Trong số đó phải kể đến nét đặc sắc trong kiến trúc nhà chình tường của người dân tộc Tày, Nùng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, các kiểu nhà truyền thống này đang dần ít đi và có nguy cơ bị mai một.
Kiến trúc nhà ở độc đáo
Nhà chình tường được hình thành và xây dựng từ lâu đời, gắn bó với phong tục tập quán, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay, bà con nhân dân ở một số nơi vẫn còn lưu giữ được những ngôi nhà chình tường truyền thống, nhiều nhất là ở 2 xã Hữu Khánh, Tú Đoạn của huyện Lộc Bình và và một số xã của huyện Đình Lập.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà chình tường hơn 200 năm tuổi ở thôn Bản Quấn, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, ông Hoàng Quốc Trị, chủ nhân của ngôi nhà say sưa kể cho chúng tôi nghe về quá trình xây dựng nhà chình tường, từ cách thức chọn nguyên liệu, pha trộn đến xây móng, xây tường, kết nối giữa các bức tường.
Qua sự giới thiệu của ông, nhà chình tường có hai loại: một loại để người dân sinh hoạt bình thường, một loại cũng là nhà ở nhưng có thêm tác dụng để phòng thủ đối với giặc dã và thú dữ quấy phá nên gọi là nhà pháo đài. So với các loại ngôi nhà khác, nhà chình tường của đồng bào Tày, Nùng độc đáo ở chỗ các bức tường được dựng bằng đất đỏ pha đất sét, có thể dùng kỹ thuật dùng khung để nén đất dựng nhà hoặc dùng khuôn đúc gạch đóng đất sét rồi xây như kiểu nhà hiện đại. Mọi công đoạn đều được làm công phu và cẩn thận. Ðiểm nổi bật là nhà chình tường mùa đông thì ấm, còn mùa hè thì mát.
Ông Hoàng Quốc Trị (thôn Bản Quấn, Tú Đoạn, Lộc Bình) giới thiệu về kiến trúc chạm khắc trên khung cửa nhà chình tường
Cần có biện pháp bảo tồn
Thực tế hiện nay, những ngôi nhà chình tường truyền thống có kiến trúc độc đáo đó theo thời gian dần được thay thế bằng những nhà cao tầng kiên cố, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân trong quá trình đô thị hóa. Vì phần lớn nhà chình tường của đồng bào đã xuống cấp, cũ kĩ và ẩm thấp trong khi bà con vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt lạc hậu nên nguy cơ gây hại đến sức khỏe, vệ sinh môi trường là rất cao. Không chỉ vậy, những ngôi nhà đã xuống cấp cũng là mối lo ngại cho người dân khi mùa mưa bão đang đến gần.
Ông Vi Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, cho biết: “Trong những năm gần đây, nhiều nhà chình tường đã dần thay thế bằng nhà xây, hiện chỉ còn hơn 200 nhà. Từ sau năm 1995 trở về đây, người dân ít làm kiểu nhà này vì đòi hỏi rất nhiều nhân lực và thời gian. Chúng tôi cũng có định hướng chỉ đạo, tuyên truyền để người dân gìn giữ kiến trúc nhà truyền thống. Tuy nhiên, để bảo tồn nhà chình tường cũng là điều khó khăn vì phải sửa chữa đúng cách thì mới đảm bảo sinh hoạt cho bà con”.
Ở trong ngôi nhà chình tường đã qua nhiều lần tu sửa, ông Vi Văn Vạt (thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình) nói: “Tôi năm nay đã 63 tuổi và ở nhà chình tường này cũng được 23 năm rồi. Nhà chình tường của gia đình tôi ở lâu cũng bị dột, xuống cấp nhiều. Nhưng gia đình tôi vẫn xây sửa, cố gắng giữ lại ngôi nhà với mong muốn sau này con cháu mình biết đến nhà ở truyền thống của cha ông”.
Tuy nhiên, để gìn giữ những kiến trúc nhà ở truyền thống đó thì cần đòi hỏi kinh phí, nhân lực cũng như kiến thức về nhà truyền thống trong khi đời sống người dân ở một số nơi còn nhiều khó khăn. Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, tiến hành nghiên cứu tìm ra các biện pháp hữu hiệu để vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của bà con vừa bảo tồn kiến trúc nghệ thuật nhà chình tường như một di sản văn hóa, một sản phẩm du lịch trong tương lai.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch cho biết: Hiện nay, công tác bảo tồn nhà truyền thống cũng đang được ngành văn hóa quan tâm chỉ đạo đối với các đơn vị chuyên môn như: kiểm kê, đánh giá thực trạng kiến trúc nhà truyền thống của các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích vận động người dân phát huy khả năng của từng gia đình để gìn giữ kiến trúc nhà truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Lạng Sơn.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()