Nhà báo đối mặt nhiều thách thức và nguy hiểm
Phóng viên chiến trường luôn phải đối mặt nhiều hiểm nguy. Nghề báo được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), từ đầu năm đến nay đã có 20 nhà báo bị giết, nâng tổng số nhà báo bị sát hại trong 20 năm qua lên gần 1.000 người. Mới đây, vụ một nhà báo Xô-ma-li-a bị bắn chết tại Thủ đô Mô-ga-đi-su tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp.Phương tiện thông tin truyền thông ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với mong muốn giúp bạn đọc tiếp cận thông tin nhanh nhất, sinh động và chính xác nhất, các nhà báo không ngại lăn lộn với thực tiễn, đương đầu khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Phóng viên phải "lao" vào điểm nóng, chấp nhận rủi ro và thương vong. Theo CPJ, chỉ trong hai năm 2010 và 2011, đã có 127 nhà báo bị sát hại. Hầu hết các vụ nhà báo bị giết trong 20 năm trở lại đây là vì lý do chính trị (41%),...
Phóng viên chiến trường luôn phải đối mặt nhiều hiểm nguy. |
Phương tiện thông tin truyền thông ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với mong muốn giúp bạn đọc tiếp cận thông tin nhanh nhất, sinh động và chính xác nhất, các nhà báo không ngại lăn lộn với thực tiễn, đương đầu khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Phóng viên phải “lao” vào điểm nóng, chấp nhận rủi ro và thương vong. Theo CPJ, chỉ trong hai năm 2010 và 2011, đã có 127 nhà báo bị sát hại. Hầu hết các vụ nhà báo bị giết trong 20 năm trở lại đây là vì lý do chính trị (41%), chiến tranh (34%), tham nhũng (21%) và tội phạm (14%).
Chiến trường là một trong nhiều nơi tác nghiệp nguy hiểm nhất đối với nhà báo. Các phóng viên chiến trường cũng xông pha như những người lính chiến, đối mặt với bom đạn chiến tranh. Những thông tin và hình ảnh do các nhà báo phản ánh tại chỗ tác động mạnh mẽ dư luận thế giới, góp phần chấm dứt nhiều cuộc chiến khốc liệt. Để có được điều đó, không ít phóng viên đã bỏ mạng tại chiến trường. Theo số liệu gần đây của CPJ, I-rắc trong nhiều năm liền luôn dẫn đầu danh sách những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Từ năm 2003 đến nay, đã có 151 nhà báo, phần lớn là phóng viên ảnh, chết ở quốc gia Trung Đông này. 113 người trong số đó bỏ mạng trong khi tác nghiệp tại chiến trường. Pa-ki-xtan cũng được coi là “tử địa” của phóng viên, với 43 nhà báo bị sát hại tại đây trong năm 2011. Ngoài ra, có những vụ nhà báo bị thảm sát dã man, như vụ thảm sát và chôn tập thể ít nhất 58 người, trong đó có 31 nhà báo ở Min-đa-nao (Phi-li-pin) hồi tháng 11-2009 khiến dư luận phẫn nộ. Số vụ nhà báo bị lăng mạ, đe dọa, hành hung và bắt cóc cũng không ngừng tăng trong nhiều năm gần đây.
Tại một số quốc gia như Mê-hi-cô, Bra-xin…, nơi những băng nhóm tội phạm, buôn bán ma túy “hoành hành”, cũng là khu vực “ám ảnh” các nhà báo. Để có một phóng sự điều tra hay, nhiều phóng viên chấp nhận rủi ro để trực tiếp thâm nhập vào tận hang ổ tội phạm. Sau khi phanh phui những hoạt động phi pháp, những phóng viên này có thể trở thành mục tiêu trả thù của các nhóm xã hội đen. CPJ cho biết, trong 20 năm qua, đã có 27 nhà báo bị giết tại Mê-hi-cô, trong đó 21 vụ liên quan tội phạm. Chỉ tính riêng năm 2010, đã có 14 nhà báo bị giết trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng Chính phủ Mê-hi-cô và các tổ chức buôn bán ma túy. Hành vi ngăn cản, đe dọa, hành hung nhà báo tiếp tục gia tăng trong khi chính quyền Mê-hi-cô thất bại trong việc sửa đổi Luật Bảo vệ nhà báo. Hiện nay, các tổ chức tội phạm ở nước này “vươn vòi rồng” thao túng nhiều lĩnh vực trong xã hội, khiến việc tác nghiệp của phóng viên gặp không ít khó khăn.
Những số liệu trên cảnh báo sự gia tăng đáng lo ngại trên toàn cầu về hành vi bạo lực đối với nhà báo. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới chưa có hành động cần thiết để bảo đảm an toàn cho họ, cũng như trừng phạt thích đáng tội phạm cản trở và “trả thù” phóng viên tác nghiệp. Số vụ nhà báo bị giết chưa được đưa ra xét xử đầy đủ và số tội phạm bị trừng phạt chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Từ năm 2006 đến 2009, trong số 245 vụ nhà báo bị sát hại mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) chính thức lên án và yêu cầu những quốc gia liên quan xử lý, chỉ có 101 vụ được các nước phản hồi và chín vụ tội phạm được đưa ra công lý. Trước thực trạng trên, tại Hội nghị báo chí quốc tế diễn ra ở TP Các-tha-gơ (Tuy-ni-di) hồi tháng 5 vừa qua, đại diện hơn 90 nước cùng nhiều tổ chức quốc tế đã gióng hồi chuông cảnh báo và khẩn cấp kêu gọi các quốc gia trên thế giới bảo đảm an toàn cho nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()