Nguyện vọng chính đáng của cử tri
Hôm qua, ngày 26-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh. Mặc dù là ngày Chủ nhật (25-11) và ngày làm việc đầu tuần, nhưng cử tri vẫn tề tựu đông kín các hội trường để nghe các đại biểu Quốc hội (QH) thông báo kết quả kỳ họp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chăm chú lắng nghe, ghi nhận tất cả ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ông Hoàng Hữu Huyền, cử tri phường 15 (quận 4) xúc động nói:Kỳ họp lần này diễn ra trong khoảng một tháng, nhiều vấn đề gai góc đều được bàn thảo quyết định một cách dân chủ, công khai. Việc chất vấn và trả lời chất vấn, được tường thuật trực tiếp qua sóng phát thanh, truyền hình. Ông nói: Giá như 10 năm trước đây, các kỳ họp của QH cũng làm việc đạt kết quả rất cao như kỳ họp lần này thì kinh tế đất nước đã khác rất nhiều. Chúng ta có thể tránh được thất thoát, bị nợ xấu hàng nghìn nghìn tỷ đồng, tham nhũng, lãng phí, đã được đẩy lùi....
Hôm qua, ngày 26-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh. Mặc dù là ngày Chủ nhật (25-11) và ngày làm việc đầu tuần, nhưng cử tri vẫn tề tựu đông kín các hội trường để nghe các đại biểu Quốc hội (QH) thông báo kết quả kỳ họp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chăm chú lắng nghe, ghi nhận tất cả ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ông Hoàng Hữu Huyền, cử tri phường 15 (quận 4) xúc động nói:
Kỳ họp lần này diễn ra trong khoảng một tháng, nhiều vấn đề gai góc đều được bàn thảo quyết định một cách dân chủ, công khai. Việc chất vấn và trả lời chất vấn, được tường thuật trực tiếp qua sóng phát thanh, truyền hình. Ông nói: Giá như 10 năm trước đây, các kỳ họp của QH cũng làm việc đạt kết quả rất cao như kỳ họp lần này thì kinh tế đất nước đã khác rất nhiều. Chúng ta có thể tránh được thất thoát, bị nợ xấu hàng nghìn nghìn tỷ đồng, tham nhũng, lãng phí, đã được đẩy lùi. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung, đã được Quốc hội thông qua. Điều quan trọng là Quốc hội cần phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật này. Xin các đại biểu QH phải ghi nhớ những lời hứa sửa chữa, khắc phục những hạn chế, yếu kém của các bộ trưởng. Không thể để tình trạng chỉ nhận lỗi mà không bị xử lý khi khuyết điểm, thiếu sót. Đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các kỳ họp QH báo cáo việc quản lý gần bốn triệu ha đất trồng lúa. Đất nước càng khó khăn càng phải quản lý nguồn tài nguyên vô cùng quý báu, không tái tạo được. Ông Trần Văn Nhơn (phường 9, quận 4) nêu lên những băn khoăn, bức xúc trước “Tình trạng các vụ việc tham nhũng phát hiện nhiều nhưng xử lý được rất ít. Hiện nay, có xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng, xu hướng biến các vụ tham nhũng nghiêm trọng thành không nghiêm trọng, việc to thành việc nhỏ, việc bé thành việc không có gì. Việc xử lý hành chính phải chăng do cấp trên xử không nghiêm nên cấp dưới noi theo. Và nêu khuyết điểm nhưng không xử lý kỷ luật một ai, có chăng chỉ là cảnh cáo rút kinh nghiệm, làm mất niềm tin của cử tri”.
Ông Nguyễn Minh Giới (phường 16, quận 4) cho rằng, việc phòng, chống tham nhũng không đạt kết quả như mong muốn vì chưa xử lý được người đứng đầu. Đề nghị QH cần phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ tổ chức, cá nhân; giám sát việc minh bạch tài sản cá nhân để ngăn chặn việc hình thành “lợi ích nhóm” chưa được chỉ ra cụ thể ở đâu, ở chỗ nào. Tham nhũng không được đẩy lùi thì ta sẽ bị tham nhũng đẩy lùi. Ông Vũ Trọng Quý, cử tri phường 7 (quận 3) kiến nghị: Nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng và toàn dân ta là tập trung thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Chúng tôi thấy vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, nhưng kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Hiện nay, có tình trạng mọi thiếu sót, khuyết điểm, khi tự phê bình và phê bình, ai cũng thành khẩn nhận, trừ khuyết điểm suy thoái đạo đức, lối sống và tham nhũng. Hơn lúc nào hết, cần phải tăng cường kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Ai có khuyết điểm thì phải cho thôi chức vụ chứ không chờ xin từ chức.
Các ý kiến phát biểu của cử tri tại các hội nghị tiếp xúc bày tỏ sự chưa hài lòng về việc trả lời chất vấn của một số thành viên Chính phủ. Cử tri Nguyễn Minh Ngọc (phường 4, quận 4) cho rằng, tại kỳ họp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhìn nhận nghiêm túc, thấy rõ những khuyết điểm của mình trong thời gian qua, cử tri chúng tôi thông cảm và chia sẻ. Nhưng phần trả lời chất vấn của một số bộ trưởng, thành viên Chính phủ, cử tri còn nhiều bức xúc. Tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nợ xấu chồng chất, doanh nghiệp bị giải thể nhiều, đập thủy điện vỡ, thủy điện Sông Tranh rò rỉ, tháp truyền hình đổ, giá thuốc chữa bệnh quản lý lỏng lẻo, tình trạng thầy thuốc nhận phong bì diễn ra phổ biến, các bộ trưởng chưa nhận khuyết điểm mà đổ lỗi cho cơ chế, cho khó khăn khách quan. Ông Vũ Hoàng Linh, cử tri phường 13 (quận 4) nêu ý kiến: Vừa qua, Bộ Công an cho phép lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) hóa trang, mật phục để xử lý người sai phạm đã gây bất bình trong dư luận nhân dân, làm mất đi sự tôn nghiêm của cảnh phục CSGT. Chế độ lương của lực lượng công an đã cao hơn các ngành khác. Việc quy định để lại 70% số tiền phạt vi phạm Luật Giao thông cho công an sẽ dẫn đến tình trạng CSGT nặng về phạt, thậm chí có đơn vị còn khoán phạt, nhẹ về thực hiện các nhiệm vụ khác, nhất là tổ chức, hướng dẫn giao thông. Ông Vũ Trọng Quý (phường 7, quận 3) kiến nghị các bộ trưởng cần phải cân nhắc thật cẩn trọng tính khả thi mỗi khi đề xuất, quyết định vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Tránh để tình trạng quyết định được ban hành không thực hiện được, gây bức xúc dư luận rồi lại sửa đổi, điều chỉnh.
Sáng qua, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận 1, đã có 15 ý kiến phát biểu bày tỏ sự phấn khởi với những kết quả đã đạt được trong kỳ họp lần thứ tư, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Đặc biệt, các cử tri đã bày tỏ chính kiến về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; việc triển khai đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian sắp tới. Phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá: Niềm tin của cử tri cả nước đối với cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ngày càng tăng lên, điều đó đòi hỏi Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trong tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Về những băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là lo ngại của cử tri về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tại kỳ họp lần thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, bổ nhiệm; sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng… là việc thể chế hóa, quy chuẩn hóa một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, phức tạp, kéo dài, đòi hỏi cử tri cả nước phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí bằng việc tham gia kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức ngay trên địa bàn dân cư. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp. Sắp tới, Đảng và Nhà nước ta sẽ ban hành quy chế giám sát, phản biện xã hội để huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Về câu hỏi của cử tri “lợi ích nhóm” ở đâu và là ai? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần chủ động, tích cực phát hiện những biểu hiện của “lợi ích nhóm” ngay ở cấp mình, ngành mình, với tinh thần dũng cảm và thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn cử tri tích cực chuẩn bị đóng góp nhiều ý kiến với chất lượng cao vào Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung) sẽ được tổ chức vào những tháng đầu năm 2013.
Theo Nhandan
Ý kiến ()