Nguyên Bình - Vẹn nguyên nghĩa tình quân dân
Tự hào đất thiêng Nguyên Bình
Từ khi thành lập, Đội VNTTGPQ đã được nhân dân chở che, đùm bọc như con em của mình. Chuyện kể rằng: Ngày ấy, người dân các làng bản xung quanh đã mang gạo, ngô, thịt, muối… đến ủng hộ đội. Tình cảm quân dân thắm thiết ngay từ thời trứng nước đó và như một lẽ tự nhiên Chiến thắng Phai Khắt (ngày 25-12) và Nà Ngần (ngày 26-12-1944) cũng có phần đóng góp của đồng bào. Đó chính là một trong những nhân tố quan trọng làm nên sự phát triển, trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta suốt 70 năm qua và mãi mãi sau này.
Cán bộ Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị) và xã Tam Kim kiểm tra tiến độ thi công nhà tình nghĩa tặng gia đình anh Nông Văn Thọ, ở thôn Phai Khắt. Ảnh: Quý Mai |
Trong chuyến công tác về huyện Nguyên Bình, chúng tôi có dịp kiểm chứng thêm điều thiêng liêng đó. Tình cảm của đồng bào các dân tộc đối với Bộ đội Cụ Hồ vẫn vẹn nguyên, sâu nặng như những tháng năm kháng chiến “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” (thơ Tố Hữu). Về các xã Hoa Thám, Tam Kim (huyện Nguyên Bình) và một số địa bàn khác trong huyện, trong tỉnh, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn náo nức mong chờ Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ông Đặng Hồng Cao, người Dao Tiền, đã gần 20 năm gắn bó, trông coi Khu Di tích rừng Trần Hưng Đạo, khi đưa chúng tôi thăm Nhà bia, Lán ở của Đội VNTTGPQ, Nhà tưởng niệm 34 chiến sĩ… Ông xúc động nói:
– Tôi mong ngày đó lắm, vì sẽ có nhiều người đến thăm khu di tích lịch sử này. Ngày đó, chắc chắn anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những chiến sĩ Đội VNTTGPQ đã mất sẽ tụ họp về đây đông đủ.
Dù câu nói của ông Cao mang yếu tố tâm linh, nhưng tôi nghĩ ông rất tin vào điều đó. Niềm tin ấy, lòng tự hào ấy của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ là điều dễ nghe, dễ thấy ở Nguyên Bình. Chúng tôi đến Nhà trưng bày di tích Đồn Phai Khắt khi đã gần trưa nhưng hướng dẫn viên Nông Thị Bích, một phụ nữ Tày duyên dáng vẫn say sưa giới thiệu với khách đến tham quan. Những hiện vật quý, như tấm chăn, khẩu súng kíp, chiếc nồi… như chợt bừng lên ánh sáng. Từ tăm tối nô lệ, dân tộc Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết. Chị Nông Thị Bích tâm sự: “Quá khứ phải như thế nào thì mới tạo nên lòng tự hào của các thế hệ hôm nay như vậy. Em nghĩ, chính những hiện vật thô sơ, cũ kỹ này đã nói lên được khí phách, tinh thần của cha ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Em rất tự hào khi được giới thiệu với nhiều người về trận thắng đầu tiên của QĐND Việt Nam. Không chỉ riêng em mà người dân Tam Kim đều tự hào là nơi ra đời của quân đội ta và có Di tích đồn Phai Khắt”.
Đến thăm Di tích đồn Nà Ngần ở xã Hoa Thám, chúng tôi cũng thấy rõ niềm tự hào của dân bản. Bà con vui vẻ kể cho chúng tôi nghe chuyện về Nà Ngần của 70 năm trước. Thực ra, đấy là câu chuyện được truyền lại từ những thế hệ trước, những người đã đi vào cõi thiên thu hay đã già lão. Ông Đặng Văn Rèn, một trong các hộ được tặng “Ngôi nhà 100 đồng” cười vui: “Nà Ngần nhỏ thôi, nhưng cả nước biết đến bản mình. Nhờ quân đội của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả đó. Vui lắm!”.
Đúng thế, hai trận thắng đầu tiên: Phai Khắt, Nà Ngần có tiếng vang và ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Từ đây, quân đội ta liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để có Điện Biện Phủ-1954 và Mùa xuân đại thắng 1975. Đó cũng là điều lãnh tụ Hồ Chí Minh mong muốn và chỉ thị cho đội: “Trận đầu nhất định phải thắng lợi!”.
Những con số 70 nghĩa tình
Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ giúp đỡ nhân dân hai xã Tam Kim, Hoa Thám nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam; 70 năm truyền thống Tổng cục Chính trị; đã đề ra 9 nội dung công việc chính giúp nhân dân hai xã. Đó là: Hỗ trợ, xây “Ngôi nhà 100 đồng” (trị giá 50 triệu đồng/nhà) và nhà tình nghĩa tặng 70 hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm Nà Sang, xã Tam Kim; xây dựng hệ thống cấp nước và bể chứa cho 70 hộ đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt ở 4 xóm, thuộc 2 xã. Hỗ trợ giống, vốn sản xuất cho 70 hộ đặc biệt khó khăn. Vận động hỗ trợ trang thiết bị trường học, dụng cụ y tế cho 2 xã; bê tông hóa đường, sân trường tiểu học và sân trạm xá xã Hoa Thám; thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình thương binh, bệnh binh. Tặng 700 bộ chăn màn cho các hộ gia đình nghèo; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng tủ sách, băng đĩa hình cho các nhà văn hóa; tặng 2 dàn máy vi tính cho 2 trường tiểu học; tặng âm ly, loa đài, tượng Bác Hồ, bộ ảnh, tài liệu Phòng Hồ Chí Minh cho các nhà văn hóa thôn ở 2 xã…
Những việc làm ý nghĩa gắn liền với con số 70 (70 năm ngày thành lập quân đội) đã và đang trở thành hiện thực. Đồng chí Nông Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình rất cảm ơn Quân đội đã có nhiều công trình, việc làm tình nghĩa giúp dân rất hiệu quả, thiết thực như: Tôn tạo, nâng cấp Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo, trong đó có nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp khách; xây dựng nâng cấp đường vào khu di tích dài 21,5km; hỗ trợ xây “Ngôi nhà 100 đồng”, nhà văn hóa, trường mầm non 2 xã Hoa Thám, Tam Kim; xây hệ thống cấp nước sạch cho một số thôn bản; hỗ trợ giống, vốn giúp dân xóa đói, giảm nghèo…
Nói sao hết niềm vui của người dân các xã Tam Kim, Hoa Thám khi con đường hơn 20km rải nhựa nối Quốc lộ 3 với xã đã được hoàn thành. Chủ tịch UBND xã Hoa Thám, anh Hoàng Tòn Sao, dân tộc Tày, rất vui, kể: “Trước kia, chúng tôi muốn xuống xóm Khuổi Hoa trong xã, giáp với tỉnh Bắc Kạn, phải đi một vòng qua thị trấn Nguyên Bình và TP Cao Bằng, quãng đường hơn 80km. Nay có đường nhựa do bộ đội làm, chỉ đi xe gắn máy mấy chục phút là đến với bà con Khuổi Hoa”. Anh Sao còn cho biết thêm: Toàn bộ 25/25 “Ngôi nhà 100 đồng” trên hỗ trợ xây tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã được triển khai đúng tiến độ, hầu hết đã được nghiệm thu. Gia đình anh Bàn Văn Xuân, người dân tộc Dao Tiền, được hỗ trợ làm “Ngôi nhà 100 đồng” đợt đầu tiên (tháng 3-2014) đã khánh thành nhà vào cuối tháng 8. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà rộng rãi, vững chắc, lợp ngói âm dương mới khánh thành, anh Xuân khoe: “Có nhà rồi, giờ cố gắng làm giàu thôi bộ đội ạ. Năm nay, mình thu hoạch được 50 bao lúa và đang nuôi 4 con trâu đấy!”.
Tại xã Tam Kim, có 35 “Ngôi nhà 100 đồng” được triển khai xây dựng; đặc biệt nhờ sự hỗ trợ cả về kinh phí, nhân lực của các đơn vị quân đội, 5 ngôi nhà dành tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đã sớm hoàn thành. Đồng chí Tô Thanh Hoạt, Chủ tịch UBND xã Tam Kim cho biết: “Ban CHQS huyện đã huy động dân quân, lực lượng dự bị động viên chuyển vật liệu qua sông Hiến giúp các hộ dân làm nhà. Cũng nhờ quân đội giúp đỡ, mà xã Tam Kim có thêm những công trình mới như Trường Mẫu giáo Pác Háo, hệ thống cấp nước sạch cho 2 xóm Nà San, Nà Hoảng, trạm y tế, trường tiểu học và THCS xã…”.
Được Nhà nước và quân đội hỗ trợ, nhiều dự án phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo được triển khai ở Nguyên Bình, đặc biệt là ở hai xã Hoa Thám, Tam Kim, như trồng cây sa mộc, cây thông, cây trúc sào, trồng sắn cao sản KM94, dong riềng, thanh long, mía vàng; làm lúa nước từ một vụ nay chuyển thành hai vụ; rồi nuôi lợn, gà, trâu… Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khấm khá lên như gia đình chị Triệu Thị Thúy, anh Triệu Văn Xuân… ở xã Hoa Thám. Xã Tam Kim triển khai rộng mô hình trồng cây thuốc lá ở các thôn Nà Mạ, Nà Múc, Nà Vạ, Phai Khắt, Nà Dủ, Nà Sang, Tát Căng và mô hình nuôi lợn thịt ở Bản Um, Phai Khắt, Nà Mạ, Nà Dủ, Nà Múc, Nà Hoảng, Vù Mìn… Hy vọng, trong thời gian không xa, kinh tế ở vùng đất này sẽ khởi sắc, đi lên từ những dự án, mô hình như vậy.
Vĩ thanh
Khó có thể kể hết những công việc lớn nhỏ thể hiện tình cảm quân dân gắn bó, thắm thiết ở Nguyên Bình. Từ khi quân đội ta ra đời, giữa muôn trùng gian khó hiểm nguy, người dân Nguyên Bình nói chung và 2 xã Hoa Thám, Tam Kim nói riêng đã hết lòng đùm bọc, cưu mang các chiến sĩ. Nhiều người dân ở vùng núi non thâm u này đã theo Ké Hồ (Bác Hồ), theo Việt Minh, giúp Việt Minh đánh Pháp giành lại độc lập cho đất nước, như hai anh em ông Tô Tiến Lực (tức Tô Đình Cắm-một trong 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ, hiện đang còn sống tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) và Tô Đình Quý (tên thật là Trung). Từ năm 1942, hai anh em ông Lực đã theo Việt Minh hoạt động bí mật. Ông Lực bị địch đuổi bắt, phải chui xuống ao, lấy lá phủ lên đầu, ngâm nước mấy tiếng đồng hồ, bị hàng trăm con đỉa cắn trên mình. Lính dõng kéo lên hang đá nơi ông trú ẩn, không thấy người đâu, đã dùng súng bắn thủng chiếc màn.
Chiếc màn của người du kích Tô Tiến Lực lỗ chỗ vết đạn năm xưa, nay được trưng bày tại Nhà di tích Đồn Phai Khắt. Con cháu của những chiến sĩ Việt Minh xưa, nay vẫn một lòng một dạ theo Đảng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những người lính Cụ Hồ dù ở thời nào, trong chiến tranh hay hòa bình đều khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Trung với nước, hiếu với dân…”. Yêu nước, thương dân là truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc truyền lại, được Đảng, Bác Hồ và quân đội ta gìn giữ, tô đẹp thêm. Đoàn kết quân dân là cội nguồn sức mạnh to lớn của quân đội ta. Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân ta quen gọi “Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân”.
Ý kiến ()