Nguy hiểm khi chở hàng cồng kềnh bằng xe máy
Hiện nay, trên các tuyến giao thông, không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển mô tô, xe máy chở hàng cồng kềnh, vượt quá quy định. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, người dân thường tận dụng mô tô, xe máy để vận chuyển hàng hóa, thuận tiện khi muốn đi vào từng ngõ, ngách. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chở hàng cồng kềnh, chênh vênh, dễ ngã đổ xe hay xảy ra va chạm.
Đáng chú ý, nhiều chiếc xe đã cũ, đèn sau bể nát, biển số lung lay có thể rớt ra bất cứ lúc nào nhưng vẫn lưu thông trên đường, lấn làn các phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Xe máy chở hàng cồng kềnh trên đường phố Hà Nội. |
Bên cạnh việc chở hàng cồng kềnh, vượt quá quy định cho phép, nhiều người còn chằng buộc hàng hóa không chắc, che chắn thiếu cẩn thận khiến hàng rơi xuống đường, làm ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông.
Ông Hoàng Mạnh Nam ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết, nhiều lần ông chứng kiến hàng hóa rơi ra từ các xe máy chở quá tải, không được che chắn kín, trở thành vật cản trên đường, do đó, không ít lần đã xảy ra va chạm giao thông.
Để giải quyết tình trạng trên, trước hết, người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm với cộng đồng, thấy được sự nguy hiểm của việc chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông. Trường hợp di chuyển trong khu vực đông người, đường ngõ nhỏ, phương tiện cần giảm tốc độ, tập trung quan sát để lưu thông an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường tuyên truyền; lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ…, quy định khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, không vượt quá phía sau giá đèo hàng 0,5m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng quy định người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, mỗi người tham gia giao thông cần từ bỏ thói quen chở hàng cồng kềnh, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()