Nguy hại từ bọ ánh kim
LSO - Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này tại một số huyện có diện tích trồng hồi lớn như Văn Quan, Lộc Bình, Cao Lộc đang bị bọ ánh kim gây hại. Hiện tại, cán bộ các Trạm Bảo vệ thực vật các huyện đã và đang hướng dẫn người trồng hồi cách phun thuốc để diệt bọ ánh kim, tuy nhiên, đây là loại sâu hại chưa có thuốc đặc trị, vì thế, việc diệt bọ ánh kim đang gặp một số khó khăn.
Vừa qua, theo chân đoàn công tác của Viện Bảo vệ thực vật đi đến một số khu vực trồng hồi đang bị bọ ánh kim hại để tiếp tục hoàn thiện đề tài “nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý bọ ánh kim hại cây hồi theo hướng bền vững ở tỉnh Lạng Sơn”, theo các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật, trong nhiều năm qua, tất cả các cuộc điều tra về sâu bệnh hại cây trồng nông nghiệp và sâu bệnh hại rừng trồng đều không nghiên cứu về sâu bệnh hại cây hồi. Chỉ đến năm 2012, sau khi bọ ánh kim bùng phát mạnh ở Lạng Sơn, ngành nông nghiệp mới quan tâm điều tra về loại bọ cánh cứng này. Từ đó đến nay, Viện Bảo vệ thực vật đang tổ chức nghiên cứu, tìm biện pháp quản lý bọ ánh kim để bảo vệ cây hồi. Tuy nhiên, hiện tại, các nghiên cứu của Viện mới chỉ đạt được trong việc thu được bộ mẫu tiêu bản của bọ ánh kim chứ chưa tìm được giải pháp diện bọ ánh kim khả thi nhất. Vì thế, việc bọ ánh kim quay lại hại cây hồi vào thời điểm này sẽ gây nguy hiểm cho cây hồi, vì loại bọ này thường ăn trụi ngọn, lá non làm cây xơ xác, cây sinh trưởng và phát triển sẽ kém khiến quả sẽ rụng, nếu cây bị hại nặng sẽ dẫn đến chết khô cành.
Trở lại thời điểm năm 2012, một loài sâu hại lạ thuộc họ ánh kim (gọi là bọ ánh kim) đã bùng phát thành dịch với mật độ trung bình 500-800 con/cây, cao điểm có khi lên tới trên 1.300 con/cây. Khi mật độ bọ ánh kim cao, chúng cắn trụi hết lá non, ngọn non làm cây xơ xác không thể phục hồi hay ra hoa đậu quả, nhiều diện tích trồng hồi mất trắng, không cho thu hoạch. Vào thời điểm tháng 4 – 5 năm 2012 đã có khoảng 500 ha rừng hồi của tỉnh Lạng Sơn bị bọ ánh kim gây hại, tập trung ở các huyện Lộc Bình, Văn Quan và Cao Lộc. Bọ ánh kim là loài có khả năng bay khỏe, di chuyển tốt, cả pha ấu trùng và trưởng thành đều gây hại trên cây Hồi cho nên chúng có khả năng lan tràn và phát tán nhanh, mạnh, gây hại lớn trên diện rộng trong thời gian sắp tới.
Sau đúng 2 năm, loại bọ này lại tiếp tục quay trở lại hại cây hồi, tính đến đầu tháng 5 này, hơn 1.000 ha cây hồi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã bị bọ ánh kim gây hại. Mặc dù, bà con trồng hồi đã triển khai biện pháp hoá học để trừ loài sâu hại này, nhưng hiệu quả không cao do chưa xác định được đặc điểm sinh học, sinh thái của loài. Không những vậy, hiện tại việc diệt bọ ánh kim gặp khó khi loại bọ này có những đặc tính rất lạ là chỉ ra khỏi “tổ” vào ban đêm. Bà con trồng hồi ở xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan cho biết rằng, loại sâu này thường ăn về đêm, sau một đêm là sâu ăn trụi hết lá hồi, rồi lại bò sang cây khác. Sâu bắt đầu phát triển mạnh từ tháng 4 vừa qua, mật độ sâu hiện đã lên hàng trăm con/cây. Hiện tại, người trồng hồi đã tiến hành phun một số loại thuốc trừ sâu nhưng việc tiêu diệt bọ ánh kim gặp khó vì loại sâu này rất khó phát hiện, lúc đầu loại sâu này làm tổ ở dưới mặt đất ẩm ướt của tán rừng hồi. Khi trưởng thành chúng leo lên cây ăn lá hồi, chúng ăn trụi cả hoa cuống quả, chỉ trong thời gian ngắn khiến cây hồi chỉ còn trơ cành. Ở giai đoạn nhộng, con sâu to bằng đầu móng tay, ban ngày ẩn dưới lá mục, thân sâu có ánh kim nên lẫn với ánh sáng mặt trời khiến việc nhìn thấy sâu càng trở nên khó.
Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, được biết rằng, từ đầu tháng 2/2014, đơn vị đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật các huyện tổ chức đưa hơn 2 tấn thuốc sinh học VBTUSA và 10 tấn bột phụ gia, đưa đến các hộ trồng hồi để phun ở những diện tích bị bọ ánh kim hại, qua đợt phun này, mật độ của bọ ánh kim đã giảm từ 50 – 100 con/cây. Tuy vậy, hiện tại, loại thuốc này vẫn chưa phải là loại khả dụng nhất trong việc diệt bọ ánh kim. Đơn vị bảo vệ thực vật khuyến cáo, ngoài loại thuốc sinh học VBTUSA, người dân có thể mua và sử dụng loại thuốc sinh học Emasuper để phun trừ và ngăn không cho bọ ánh kim phát triển. Ngoài ra, vì đây là loại bọ chưa rõ đặc tính sinh học, sinh trưởng nên bà con cần thường xuyên theo dõi diến biến của sâu để có thể kịp thời khống chế bọ ánh kim không lây lan ra diện rộng.
Mọi biện pháp ngành bảo vệ thực vật và bà con trồng hồi đang triển khai đều là cần thiết, tuy vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp bọ ánh kim gây hại cho cây hồi – loại cây thương hiệu của xứ Lạng. Điều này cho thấy các loại thuốc đang sử dụng để phun chưa phải là loại thuốc đặc trị bọ ánh kim, vì thế loại bọ này vẫn lưu trú, sinh tồn trong khu vực trồng hồi, đến thời điểm là xuất hiện trở lại gây hại cho cây hồi. Trước tình trạng bọ ánh kim gây hại và chưa có loại thuốc đặc trị, theo cán bộ Viện Bảo vệ thực vật, bà con cần triển khai đồng bộ cả 2 biện pháp, đó là: biện pháp canh tác và biện pháp hóa học. Theo đó, người dân cần dùng cuốc dãy cỏ, bạt đất, diệt nhộng. Song song với đó là thường xuyên kiểm tra rừng hồi, thấy sâu non là tổ chức phun thuốc sinh học ngay vào những vị trí có sâu ẩn nấp chứ không phun thuốc bữa bài, vừa không hiệu qủa lại phí thuốc. Và việc phun thuốc phải được thực hiện định kỳ, cứ 1 đến 2 tuần lại tổ chức phun lại nhằm hạn chế số lượng sâu tích lũy.
Trước sự nguy hại của bọ ánh kim, bà con không tích cực phòng, chống thì nguy cơ mấy mùa hồi là rất hiện hữu.
Bài, ảnh: Trí Dũng
Ý kiến ()