Nguy cơ xung đột vượt biên giới Xy-ri
Điểm nóng xung đột khu vực biên giới Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng tăng nhiệt sau hàng loạt vụ pháo kích "ăn miếng trả miếng" giữa hai quốc gia láng giềng. Căng thẳng giữa Đa-mát và An-ca-ra càng khiến cuộc xung đột có nguy cơ vượt khỏi biên giới Xy-ri và đẩy khu vực Trung Đông cận kề "miệng hố chiến tranh".Sức nóng từ khu vực biên giới Xy-ri với Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Kể từ hôm 3-10, sau khi xảy ra vụ pháo kích từ Xy-ri bắn sang Thổ Nhĩ Kỳ làm năm dân thường thiệt mạng, hai bên liên tiếp thực hiện các cuộc tiến công trả đũa lẫn nhau. Tình hình căng thẳng hơn sau khi QH Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu "bật đèn xanh" cho quân đội nước này tiến hành các hoạt động quân sự xuyên biên giới nhằm vào các mục tiêu ở Xy-ri. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan cảnh báo, Xy-ri sẽ phải trả giá đắt cho những cuộc tiến công tiếp theo, đồng thời khẳng định An-ca-ra "sẵn sàng hành động" nếu bị đe...
Sức nóng từ khu vực biên giới Xy-ri với Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Kể từ hôm 3-10, sau khi xảy ra vụ pháo kích từ Xy-ri bắn sang Thổ Nhĩ Kỳ làm năm dân thường thiệt mạng, hai bên liên tiếp thực hiện các cuộc tiến công trả đũa lẫn nhau. Tình hình căng thẳng hơn sau khi QH Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu “bật đèn xanh” cho quân đội nước này tiến hành các hoạt động quân sự xuyên biên giới nhằm vào các mục tiêu ở Xy-ri. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan cảnh báo, Xy-ri sẽ phải trả giá đắt cho những cuộc tiến công tiếp theo, đồng thời khẳng định An-ca-ra “sẵn sàng hành động” nếu bị đe dọa.
Mặc dù phía Xy-ri đã xin lỗi và nói rằng vụ bắn pháo vào Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một tai nạn ngẫu nhiên, song An-ca-ra lại cáo buộc đây là động thái “khiêu khích” và “nắn gân” của nước láng giềng. Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quân đội và triển khai xe bọc thép dọc đường biên giới dài 900 km với Xy-ri. Nước này còn điều một số tàu chiến nổi và tàu ngầm đến các căn cứ hải quân ở Địa Trung Hải nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, sẵn sàng ứng phó tình huống xảy ra chiến tranh. Khoảng 25 máy bay chiến đấu cũng được đưa đến một căn cứ quân sự ở Đi-y-a-ba-kia, thành phố lớn nhất ở phía đông – nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ có lịch sử quan hệ tương đối phức tạp và trải qua nhiều thăng trầm. Trong hàng thập kỷ và từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ giữa hai nước láng giềng luôn có nhiều hiềm khích, bởi Xy-ri bị cáo buộc hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đến giai đoạn 2002-2003, hai nước mới xích lại gần nhau với các cuộc gặp gỡ cấp cao và nhiều hiệp định kinh tế được ký kết. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm ngoái, thời điểm bùng nổ cuộc nổi dậy ở Xy-ri, quan hệ giữa hai nước lại xấu đi.
Trong lúc nội tình Xy-ri rơi vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, thì “hàng xóm” Thổ Nhĩ Kỳ lại “tích cực” hậu thuẫn lực lượng đối lập Xy-ri. An-ca-ra nhiều lần công khai kêu gọi thay đổi chế độ ở Xy-ri. Một bộ phận ban lãnh đạo của lực lượng đối lập Quân đội Xy-ri tự do “nằm vùng” tại văn phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ chờ thời cơ lật đổ chế độ Tổng thống A.Át-xát. Thực tế, một phần biên giới Xy-ri giáp Thổ Nhĩ Kỳ đã nằm trong tay quân nổi dậy. Khu vực này trở thành điểm tiếp tế vũ khí và trang thiết bị hậu cần từ bên ngoài cho lực lượng nổi dậy. Những bàn tay can thiệp bên ngoài đã gây khó khăn cho quân đội Xy-ri khi vừa phải tác chiến với quân nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn, vừa phải đối đầu các động thái cứng rắn từ quốc gia láng giềng.
Những tuyên bố và động thái chính trị cứng rắn từ Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, An-ca-ra đang chuẩn bị một cuộc chiến với Xy-ri. Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ ngay lúc này khó được người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Dù chia sẻ quan điểm phẫn nộ của thành viên Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Mỹ và NATO vẫn hối thúc kiềm chế. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO đang diễn ra ở Brúc-xen (Bỉ) Tổng thư ký tổ chức này A.Ra-xmút-xen khẳng định NATO sẵn sàng bảo vệ nước thành viên, nhưng vẫn cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu căng thẳng hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri không hạ nhiệt. Thực tế, An-ca-ra đến nay chưa nhận được sự ủng hộ chính thức nào từ các đồng minh NATO.
Dù vậy, nhiều nước như Li-băng, I-ran, I-rắc, Gioóc-đa-ni vẫn chuẩn bị các biện pháp đối phó nguy cơ căng thẳng giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực. Với Xy-ri, các vụ “bắn pháo nhầm” vào Thổ Nhĩ Kỳ nếu không được xử lý khôn khéo có thể trở thành cái cớ để bên ngoài can thiệp. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cảnh báo, tình trạng leo thang các hành động cứng rắn giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ là “cực kỳ nguy hiểm”, đe dọa sự ổn định toàn khu vực. Trong bối cảnh xung đột có nguy cơ vượt biên giới Xy-ri, hai quốc gia láng giềng càng cần nhanh chóng tìm giải pháp ôn hòa, tránh để khủng hoảng làm bùng nổ “thùng thuốc súng” ở khu vực Trung Đông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()