Nguy cơ "vỡ" từ nhiều dự án xi măng
Bộ Tài chính đang phải “còng lưng” trả nợ nước ngoài thay cho nhiều dự án xi măng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, nếu sau 3 kỳ trả nợ các dự án vẫn không đủ sức trả thì sẽ thực hiện theo Luật quản lý nợ công. Nhiều người lo ngại các dự án này lại lặp lại như Vinashin.Thời gian vừa qua, nhiều dự án xi măng có vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đang rơi vào tình trạng không đủ sức trả nợ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31/8 tổng mức bảo lãnh vay cho các dự án là 1 tỷ 365 triệu đô la Mỹ cho 11 dự án. Hầu hết các dự án đều gặp khó khăn, trong đó phải kể đến 4 dự án lớn: Xi măng Đồng Bành 45 triệu USD (cấp bảo lãnh năm 2008) ; Xi măng Thái Nguyên 59 triệu USD (năm 2005); Xi măng Tam Điệp 133 triệu USD (năm 2000); Hoàng Mai 145 triệu USD (năm 1998).Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nợ mà Chính phủ bảo lãnh được coi là nghĩa vụ dự phòng...
Thời gian vừa qua, nhiều dự án xi măng có vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đang rơi vào tình trạng không đủ sức trả nợ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31/8 tổng mức bảo lãnh vay cho các dự án là 1 tỷ 365 triệu đô la Mỹ cho 11 dự án. Hầu hết các dự án đều gặp khó khăn, trong đó phải kể đến 4 dự án lớn: Xi măng Đồng Bành 45 triệu USD (cấp bảo lãnh năm 2008) ; Xi măng Thái Nguyên 59 triệu USD (năm 2005); Xi măng Tam Điệp 133 triệu USD (năm 2000); Hoàng Mai 145 triệu USD (năm 1998).
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nợ mà Chính phủ bảo lãnh được coi là nghĩa vụ dự phòng đến khi doanh nghiệp hoàn toàn mất khả năng thanh toán và Chính phủ phải trả thay, thì lúc đó nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ trả nợ thực tế của Chính phủ, và khác với hình thức “tự vay tự trả”.
Quy định hiện nay yêu cầu, đối với những khoản Chính phủ bảo lãnh nếu doanh nghiệp không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay không quá 3 kỳ. Nếu sau 3 kỳ các doanh nghiệp không trả nợ được thì Bộ sẽ thực hiện theo Luật quản lý nợ công, tức là bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ. Cho đến nay, tất cả các dự án được nêu ở trên mới chỉ trả đến kỳ thứ 2 và chưa quá 3 kỳ trả nợ.
Nhiều người lo ngại các dự án này đang được Chính phủ bảo lãnh nếu mất khả năng trả nợ sẽ lặp lại một Vinashin thứ 2. So sánh với trường hợp của Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đó, ông Vương Đình Huệ tái khẳng định, nợ của Vinashin là những khoản vay thương mại và thực hiện theo nguyên tắc, Vinashin vay thì phải tự có trách nhiệm trả nợ. Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện trả nợ cho Vinashin theo các cơ chế chính sách thuận lợi nhất để Vinashin hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần mức lỗ, tiến tới hòa vốn và có lãi.
Còn với các dự án xi măng thì do xi măng là một lĩnh vực được ưu tiên đầu tư nên Chính Phủ đã chủ trương bảo lãnh vay vốn nước ngoài với những dự án của các công ty trong ngành này. Từ 1/1/2010 đến nay, việc thực hiện bảo lãnh chủ yếu theo Luật quản lý nợ công còn trước đó thực hiện theo Quyết định 233 và Quyết định 272 của Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ vào ngày 27/7, đề nghị tất cả địa phương rà soát lại tất cả các quy hoạch và đặc biệt là các dự án xi măng, tập trung đầu tư để đưa các dự án này đi vào sử dụng. Với những dự án đã đi vào hoạt động thì sẽ được tháo gỡ tất cả những khó khăn đang vướng mắc, tập trung vào đầu tư, tạo ra sản phẩm có lãi để trả nợ.
Bộ cũng đồng thời đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát lại các quy hoạch về phát triển ngành xi măng. Trong khi chờ quy hoạch mới, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng tạm thời ngừng cấp bảo lãnh đối với tất cả các dự án xi măng cho đến khi có chủ trương mới.
Bộ trưởng Tài chính cho biết mới đây đã yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính sẽ có có báo cáo tổng hợp, phân tích đánh giá nợ công của Việt Nam trong thời gian từ 2006 đến 2010 để phục vụ điều hành chiến lược nợ công từ 2011-2020.
Theo Vnmedia
Ý kiến ()