Nguy cơ tuyến đường đầu tư nghìn tỷ đồng chưa thể sử dụng
Đại lộ Đông- Tây, đoạn được đầu tư từ ngân sách đang được khẩn trương thi công.
Đại lộ Đông- Tây nối huyện Phú Bình với thị xã Phổ Yên, hai địa phương có nhiều khu công nghiệp, tốc độ phát triển kinh tế cao và đô thị hóa nhanh khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, là động lực phát triển kinh tế, xã hội, giảm tải cho quốc lộ 37, giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại rất lớn của nhân dân và công nhân.
Tuyến đường dài gần 10 km, trong đó hơn bảy km được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh Thái Nguyên với tổng số vốn gần một nghìn tỷ đồng đang được khẩn trương thi công, đến nay nền đường đã cơ bản thi công xong, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III năm 2020. Đoạn gần ba km còn lại, từ cầu vượt sông Cầu kết nối với quốc lộ 37 được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT thì đến nay chưa được xây dựng, đang bị chậm so với đoạn còn lại.
Đoạn được đầu tư theo hình thức PPP được chia thành hai gói thầu, có hai doanh nghiệp được chọn thực hiện lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Đến nay, một doanh nghiệp đã làm xong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt; doanh nghiệp còn lại đang làm các công việc này.
Sau khi có ý kiến của các cơ quan chức năng, hai đơn vị được chọn lập hồ sơ còn phải chỉnh sửa thì mới được phê duyệt. Theo quy định, sau khi phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, còn nhiều công đoạn khác là đấu thầu thừa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng BT nên mất nhiều thời gian. Một nhà đầu tư nhận định, có sớm thì đến giữa năm 2020 mới có thể bắt tay vào thi công được. Sau đó, việc thi công sẽ hết cả năm mới xong.
Như vậy, đoạn được đầu tư từ ngân sách được xây dựng xong vào quý III năm 2020, nhưng có thể chưa đưa vào sử dụng được, vì đoạn đầu tư theo hình thức PPP chưa thể kết nối toàn tuyến để kết nối với quốc lộ 37 được. Với số vốn đầu tư rất lớn, tuyến đường chậm đưa vào sử dụng sẽ gây ra tình trạng lãng phí.
Khắc phục tình trạng này, tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp xây dựng hồ sơ cần tăng cường phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khẩn trương xây dựng, phê duyệt hồ sơ đoạn đường một cách chính xác, chặt chẽ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các bước tiếp theo là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng BT để xây dựng đoạn còn lại, tránh lãng phí khi đoạn đã hoàn thành mà chưa thể đưa vào sử dụng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()