Nguy cơ từ việc khoan giếng lấy nước ngầm tràn lan
LSO-Thời gian qua, việc nhiều người dân trên địa bàn tỉnh khoan giếng lấy nước ngầm đã diễn ra thường xuyên. Cá nhân, tổ chức hành nghề khoan giếng tràn lan chưa được quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tình trạng này khiến nguồn nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm.
Cán bộ Sở TN&MT lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nguồn nước ở thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình |
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 800 giếng khoan, 28.000 giếng đào, cung cấp nước cho các hộ gia đình và tổ chức. Ông Hoàng Văn Nhất, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho hay: Nước giếng khoan chưa chắc đã sạch hơn nước máy, không thể đánh giá nước sạch hay không chỉ qua quan sát bằng mắt thường. Hơn nữa, những người hành nghề khoan giếng không phải cứ khoan đâu là có nước đó, những lỗ khoan không thấy nước không được lấp đi chính là đường dẫn chất thải làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Theo Luật Tài nguyên nước, người dân muốn khoan giếng phải xin phép và được sự đồng ý của UBND xã; tổ chức, cá nhân hành nghề phải được cấp giấy phép của Sở TN&MT nhưng trên thực tế, hầu hết mạnh ai nấy làm, hoạt động tự do mà chưa thấy có cơ quan nào đứng ra quản lý. Hiện tại toàn tỉnh đã cấp được 83 giấy phép cho các đơn vị hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Các giấy phép trên chủ yếu cấp cho các công ty hoặc doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lượng nước lớn, còn ở các hộ gia đình nhỏ lẻ hầu như chưa được cấp phép khai thác nguồn nước dưới đất. Được biết, hầu hết các cá nhân hành nghề đều theo kinh nghiệm được truyền lại hoặc “khoan mò” theo kiểu khoan mãi kiểu gì cũng tới, khoan càng sâu thì tiền công càng nhiều. Điều đáng nói là những cá nhân này hầu như không nắm được bất cứ quy định nào của pháp luật về việc hành nghề khoan nước dưới đất. Các địa phương cũng đều nắm được danh sách cá nhân hành nghề nhưng rõ ràng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý hành nghề tới các đối tượng này đã bị “bỏ quên” trong một thời gian dài.
Trước thực trạng trên, những năm qua, Sở TN&MT đã chỉ đạo Phòng TN&MT các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tài nguyên nước, nhất là nguồn nước ngầm với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền lồng ghép cùng các hội, đoàn thể; các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày môi trường thế giới… Cùng với đó, Sở còn tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn. Từ năm 2010 đến nay, Sở TN&MT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 50 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước. Tuy vậy, sở cũng chỉ mới kiểm tra được tại các cơ sở có giấy phép, thực tế thì còn rất nhiều cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất nhưng chưa làm thủ tục xin cấp phép và được cấp phép; không đăng ký kinh doanh nên không làm nghĩa vụ ngân sách với nhà nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Nhất nhấn mạnh, hiện việc kiểm tra và xử lý người hành nghề khoan giếng trái pháp luật vẫn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân. Trong đó, khâu quản lý ở cấp huyện, xã chưa chặt chẽ; địa bàn rộng, lực lượng chuyên môn mỏng… Do vậy, chúng tôi sẽ phối hợp các ngành chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền Luật Tài nguyên nước. Nêu rõ tầm quan trọng của nguồn nước ngầm cũng như những hệ lụy của việc khai thác tùy tiện. Hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm cả nguồn nước dưới đất và nước mặt, đồng thời tích trữ nước mưa phòng khi hạn hán. Hơn nữa, nhằm siết chặt việc quản lý nước ngầm, Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT về Quy định hành nghề khoan nước dưới đất. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ nước dưới đất theo quy định của pháp luật.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()