Nguy cơ thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam
Thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết là dịch cao phân tử HES 200.000 dalton 6% đang bị “đứt” nguồn cung dẫn đến việc điều trị cho bệnh nhân sốc nặng do sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang bước vào giai đoạn cao điểm, thông tin từ một số bệnh viện tại các tỉnh, thành phố phía Nam cho biết, thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết là dịch cao phân tử HES 200.000 dalton 6% đang bị “đứt” nguồn cung.
Thiếu thuốc này sẽ dẫn đến việc điều trị cho bệnh nhân sốc nặng do sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn.
Bệnh viện tỉnh “bấn loạn” vì thiếu thuốc
Trong tháng Tám vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre, thu dung điều trị 80 trường hợp nhập viện do bệnh sốt xuất huyết; trong số đó có nhiều trường hợp sốt xuất huyết dạng nặng, phải điều trị bằng dịch cao phân tử HES 200.000 dalton.
Đây là một trong những thuốc nằm trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết bắt buộc do Bộ Y tế ban hành.
Tuy nhiên, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu nhận được thông báo tạm ngưng cung cấp HES 200.000 dalton khiến đơn vị này lâm vào tình thế khó khăn.
“Trung bình mỗi tháng chúng tôi sử dụng khoảng 40-50 chai dịch cao phân tử HES 200.000 dalton nhưng hiện nay trong kho của chúng tôi chỉ còn 20 chai, cộng thêm huy động “vay mượn” của một số bệnh viện khác được 60 chai nữa.
Với số lượng thuốc này, nhiều nhất chỉ đủ dùng cho 2 tháng, những tháng còn lại chưa biết lấy đâu ra thuốc,” bác sỹ Võ Phạm Trọng Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cho hay.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng qua, bệnh sốt xuất huyết trở nên “nóng” hơn khi lượng người nhập viện không ngừng tăng. Bệnh nhân nhập viện tăng tương ứng với nguồn thuốc sử dụng điều trị cũng tăng theo.
Theo dược sỹ Bùi Quốc Tuấn, Trưởng khoa Dược-Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chỉ trong tháng Tám vừa qua, đơn vị này sử dụng hết 300 chai dịch cao phân tử HES 200.000 dalton, trong khi bình thường chỉ sử dụng từ 100-130 chai/tháng.
Trước nhu cầu sử dụng thuốc đặc trị tăng trong khi mùa dịch vẫn đang ở giai đoạn cao điểm, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã gửi công văn đặt mua 700 chai HES 200.000 dalton nhưng Công ty Dược phẩm Việt Hà – đơn vị cung cấp cao phân tử HES 200.000 dalton trên toàn quốc phản hồi không thể cung cấp do đã hết hạn đăng ký visa nhập khẩu thuốc.
“Hiện lượng thuốc của chúng tôi chỉ đủ dùng trong chưa đầy một tháng nữa, nếu tiếp tục bị đứt nguồn cung chúng tôi buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên mỗi khi có ca nặng,” dược sỹ Bùi Quốc Tuấn cho hay.
Trước đó, Khoa Dược thuộc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã liên hệ và mua lại của Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh 20 chai dịch cao phân tử HES 200.000 dalton nhưng lượng thuốc này khó thanh toán bảo hiểm y tế. Bởi lẽ đây là thuốc mua lại từ đơn vị khác, không thông qua đấu thầu của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Cũng theo dược sỹ Tuấn, những ngày qua, đơn vị này liên tiếp nhận được đề nghị “vay mượn” hoặc nhờ chỉ nơi có thể cung cấp dịch cao phân tử từ các bệnh viện tỉnh bạn. Điều này chứng tỏ nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng khó khăn khi thiếu HES 200.000 dalton do đây là loại thuốc nằm trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết bắt buộc của Bộ Y tế.
Bệnh viện tuyến cuối cũng “lao đao” vì thiếu thuốc
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối nhưng đến giữa tháng Chín này, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ còn hơn 60 chai dịch cao phân tử HES 200.000 dalton.
Theo bác sỹ Nguyễn Thành Đạt, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, tạm thời số thuốc này vẫn đủ điều trị cho những trường hợp sốt xuất huyết nặng. Tuy nhiên, nếu số ca bệnh nặng tăng đột biến thì chắc chắn không đủ sử dụng.
“Chúng tôi đã kiến nghị lên Sở Y tế tìm nguồn cung dịch cao phân tử thay thế cho nguồn cung bị đứt hàng,” bác sỹ Đạt cho biết.
Hiện chỉ còn khoảng 50 chai dịch cao phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết trong thời gian tới. Trong khi đó, đây là một trong những bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận điều trị sốt xuất huyết ở cả người lớn và trẻ em của khu vực phía Nam.
“Dồi dào” về dịch cao phân tử hơn cả là Bệnh viện Nhi đồng 1, tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện này, số thuốc hiện có cũng chỉ đủ dùng cho nhu cầu điều trị của đơn vị đến hết năm 2019.
Mặc dù vậy, những ngày qua, bệnh viện này liên tục nhận được yêu cầu “vay mượn” từ các bệnh viện khác như Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre; Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…
Bác sỹ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, nếu tình trạng “mượn” thuốc tiếp tục diễn ra, chắc chắn Bệnh viện Nhi đồng 1 không đủ thuốc để điều trị tại bệnh viện. Trong khi đó, nếu không cho các bệnh viện tuyến tỉnh mượn thuốc thì bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ liên tục đổ về tuyến trên và nguy cơ “vỡ trận” rất cao.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 sử dụng 2.000 chai dịch cao phân tử, Bệnh viện Nhi đồng 2 sử dụng gần 600 chai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới gần 1.000 chai.
Căn cứ vào nhu cầu sử dụng của năm 2018, năm 2019, các bệnh viện đã dự trù số lượng dịch cao phân tử và lên kế hoạch cho đợt đấu thầu mới. Tuy nhiên, không có đơn vị cung cấp nào dự thầu.
Nguyên nhân được cho là hãng cung cấp sản phẩm nước ngoài tuyên bố ngừng sản xuất dịch cao phân tử HES 200.000 dalton. Sở Y tế đã có văn bản gửi Bộ Y tế kiến nghị tìm giải pháp thay thế trong phác đồ điều trị và thuốc liên quan.
Trước tình trạng các bệnh viện khu vực phía Nam thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế cho biết, theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế ban hành năm 2011 và cập nhật ngày 22/8 vừa qua, dung dịch cao phân tử được chỉ định trong điều trị chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.
Các dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại Việt Nam gồm: dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc trên đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp, do đó hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế.
Ngay sau khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc, Cục Quản lý Dược đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc.
Cục Quản lý Dược cũng đã hướng dẫn các cơ sở nhập khẩu lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại Việt Nam.
Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, cấp phép nhập khẩu, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()