Nguy cơ tái xuất cúm H5N1 trên người
Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm.
Ảnh minh họa |
Mặc dù không có các ổ dịch lớn, nhưng tại một số địa phương ở khu vực phía Nam như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre đã ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết. Cùng với đó, tại huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) cũng ghi nhận một ổ dịch quai bị. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TPHCM và các đơn vị chức năng giám sát chặt các ổ dịch và xử lý theo quy định.
Cũng theo Bộ Y tế, trên thế giới đang có đợt dịch Ebola bùng phát tại Congo với 789 người mắc, trong đó 488 người đã tử vong (tính từ 1/8/2018 – 10/2/2019). Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Ebola và các dịch bệnh khác để có các biện pháp đáp ứng một cách phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia với số mắc lên tới 357.743 người trong năm 2018.
Về bệnh tay chân miệng, cả nước ghi nhận 525 trường hợp mắc, không tử vong. Số mắc rải rác chủ yếu tại một số tỉnh khu vực phía Nam, không có tỉnh nào có số mắc tăng đột biến.
Có 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố, không có tử vong.
Đáng báo động, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 2 trường hợp viêm phổi nặng do virus, trong đó, một bệnh nhân đến từ Hà Nội (bệnh nhân nam, khởi phát 30/1, vào viện 1/2) và một từ Quảng Ninh (bệnh nhân nam, khởi phát 1/2, vào viện 4/2).
Cả 2 trường hợp này đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm sâu. Kết quả ban đầu vào ngày 7/2 cho thấy, 2 bệnh nhân trên đồng nhiễm cúm A/H1N1 và cúm B. Đây là các chủng cúm mùa thông thường. Còn xét nghiệm cúm A/H5N1 dự kiến trong tuần tới sẽ có kết quả xét nghiệm.
Hiện 2 bệnh nhân này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương và cơ sở y tế tiếp nhận điều trị đã khử trùng môi trường và đang theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc gần với 2 người bệnh này.
Trong khi đó, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước không có ổ dịch cúm nào xảy ra trên gia cầm, nhưng không vì thế mà loại trừ khả năng cúm gia cầm xuất hiện trên người, vì lâu nay các cơ quan chức năng đã phát hiện virus cúm A/H5N1 vẫn lưu hành trên đàn gia cầm khỏe mạnh.
Theo Bộ Y tế, cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5N1 gây ra và thường lây từ gia cầm sang người. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh, qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín. Biểu hiện của bệnh là sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ… Đặc biệt, người mắc bệnh cúm A/H5N1 thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh gia cầm, thủy cầm, không ăn các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc; vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()