Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ở mức cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh
Nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng do hành động cố ý, do sự cố hoặc tính toán sai lầm đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trên đây là cảnh báo của Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Izumi Nakamitsu tại Hội nghị trực tuyến về chính sách hạt nhân quốc tế 2021 diễn ra từ ngày 22 đến 24-6 do Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở tại Mỹ tổ chức.
Ngày 23-6, Sputnik đưa tin, bà Izumi Nakamitsu nêu rõ, Liên hợp quốc nhận thấy “ý nghĩa ngày càng gia tăng” của vũ khí hạt nhân trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Liên hợp quốc đang rất quan ngại về nguy cơ loại vũ khí này được sử dụng. Việc hình thành “trật tự hạt nhân đa cực”, căng thẳng tại các khu vực và chạy đua vũ trang là những lý do hàng đầu khiến nguy cơ nói trên không ngừng gia tăng.
Theo bà Izumi Nakamitsu, cơ chế kiểm soát vũ khí đang “tiếp tục suy thoái” trong khi thế giới hiện nay “thiếu đối thoại và ngày càng giảm minh bạch”. Nhấn mạnh điều nguy hiểm nhất là nguy cơ các bên “hiểu sai tín hiệu của nhau”, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, giải pháp tốt nhất để loại bỏ rủi ro hạt nhân chính là loại bỏ loại vũ khí này.
Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Izumi Nakamitsu cảnh báo nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ảnh: The Mainichi |
Cảnh báo của Liên hợp quốc được đưa ra sau khi Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển đánh giá đà giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới từng được ghi nhận vào đầu thập niên 1990 dường như đã chững lại. Trong Niên giám 2021 được công bố vào ngày 14-6 vừa qua, SIPRI ước tính thế giới hiện còn khoảng 13.080 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của các nước thành viên “câu lạc bộ hạt nhân” (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên), giảm nhẹ so với con số 13.400 vào năm 2020. Tuy nhiên, con số 13.080 bao gồm cả các đầu đạn hạt nhân được “nghỉ hưu” đang chờ tháo dỡ và nếu loại bỏ nhóm này, số đầu đạn hạt nhân lại tăng từ 9.380 lên 9.620. Trong khi đó, số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai tăng từ 3.720 lên 3.825 với khoảng 2.000 vũ khí trong số này “được duy trì trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa cao”. “Xu hướng cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân mà chúng ta quen thuộc kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc dường như đang chững lại. Chúng ta đang chứng kiến các chương trình hiện đại hóa mạnh mẽ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và ở mọi quốc gia sở hữu vũ khí này. Các quốc gia hạt nhân dường như đang nâng tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược quân sự của mình”, AFP dẫn lời chuyên gia Hans Kristensen của SIPRI.
Trước đó, tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết, bất chấp dịch Covid-19 và tác động nghiêm trọng của đại dịch đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong năm 2020 đã chi mạnh cho kho vũ khí này, với mức tăng 1,4 tỷ USD so với năm 2019. “Trong khi các giường bệnh trong bệnh viện chật cứng bệnh nhân, bác sĩ và y tá làm việc quá giờ, vật tư y tế cơ bản thiếu thốn thì 9 quốc gia đã chi hơn 72 tỷ USD cho các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình”, AFP dẫn báo cáo của ICAN. Báo cáo được công bố trong bối cảnh Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua từ năm 2017 đã chính thức có hiệu lực vào tháng 1 vừa qua. “Trong khi có những quốc gia tiếp tục lãng phí hàng tỷ USD vào các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt thì phần còn lại của thế giới lại đang nỗ lực để biến chúng trở thành bất hợp pháp”, ICAN nêu rõ.
Ý kiến ()