Nguy cơ ngộ độc từ nấm rừng
(LSO) – Khoảng 1 tuần nay, tại một số chợ trên địa bàn các huyện, thành phố và mạng xã hội rao bán các loại nấm có nguồn gốc từ rừng. Nếu không có kiến thức nhất định, người sử dụng các loại nấm rừng làm thức ăn sẽ rất dễ xảy ra ngộ độc.
Hiện nay, tại một số khu vực như: chợ Giếng Vuông, chợ Bờ Sông (thành phố Lạng Sơn) và tại chợ trung tâm các huyện: Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình… có rất nhiều loại nấm rừng được bày bán: như nấm mỡ, nấm bạch đàn, nấm thông… Là người thường xuyên hái nấm rừng đem bán, bà Đinh Thị Bé, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho biết: Gia đình tôi sinh sống gần rừng, vào mùa mưa như hiện nay, tôi thường vào rừng hái nấm để bán với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày tôi bán được 3 đến 4 kg.
Nấm rừng được mua và bán trên địa bàn huyện Cao Lộc
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, các loại nấm rừng sinh sôi, phát triển mạnh. Vì vậy, người dân tại các vùng nông thôn thường đổ xô lên rừng hái nấm, người hái về ăn, người đem đi bán. Được biết, trong tự nhiên có khoảng vài trăm loại nấm nhưng chủ yếu là nấm độc, chỉ có khoảng 30 đến 40 loại có thể ăn được và an toàn cho con người. Bên cạnh các loại nấm chứa độc tố, nhiều loại nấm rất dễ nhiễm ký sinh trùng, mọc tại những nơi có chứa các nguyên tố độc hại, có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Có những loại nấm độc nhìn rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được, khiến người đi hái nấm rất dễ bị nhầm. Điểm nguy hiểm là các loại độc tố của nấm rừng thường không bị mất đi trong quá trình đun, nấu, khi ăn vào vẫn có thể gây ngộ độc. Nếu người dân thiếu kiến thức nhận biết các loại nấm, hoàn toàn có thể hái nhầm hoặc sử dụng các loại nấm có chứa độc tố.
Trong thực tế, những năm qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số vụ ngộ độc nấm rừng xảy ra. Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ là do ăn phải nấm độc. Bác sỹ Hoàng Mạnh Cương, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Các loại nấm rừng là loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc. Bệnh nhân khi ăn phải nấm độc thường có biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, choáng váng. Đối với các trường hợp nặng thường bị khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, dần dẫn tới tình trạng suy thận, suy gan cấp, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Để phòng chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm nói chung và do sử dụng nấm độc nói riêng, những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân. Ông Phạm Thanh Hồng, Trưởng Phòng Thông tin truyền thông và Quản lý ngộ độc thực phẩm, Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức được 38 buổi tập huấn về ATVSTP, thu hút hơn 1.650 người tham gia; phối hợp với các đơn vị truyền thông phát sóng hơn 20 tin, bài; in và phân bổ hơn 350 băng rôn, đĩa CD, DVD và phát hơn 30.000 tờ rơi đến các huyện, thành phố. Nội dung tuyên truyền liên quan đến ATVSTP, trong đó có nội dung liên quan đến phòng, chống ngộ độc do nấm.
Để không xảy ra ngộ độc nấm, người dân cần phân biệt các loại nấm và cách nhận biết nấm độc, sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng. Nếu không biết cách phân biệt các loại nấm hoặc không biết rõ nguồn gốc thì không nên sử dụng. Khi ăn phải nấm độc và thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo thông tin từ Chi cục ATVSTP tỉnh, các loại nấm độc thường có nhiều màu sắc, có đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hoặc màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…, khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra. Nấm độc khi hái thường có mùi cay, hắc xộc lên; khi ăn thường có vị đắng. Trong khi đó, nấm ăn được thường thơm hoặc không mùi. Ở rừng phía Bắc nước ta phổ biến xuất hiện các loại nấm độc như: nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón (nhóm nấm amatoxin) có bề ngoài rất giống với nấm bạch đàn. |
Ý kiến ()