Nguy cơ Mỹ Latin hứng chịu thêm một “thập kỷ mất mát”
Nếu không khẩn trương cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khu vực Mỹ Latin và Caribe sẽ mất thêm một thập kỷ nữa mới có thể vượt qua được hậu quả của đại dịch Covid-19.
Cảnh báo trên được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong bối cảnh sự trở lại của virus SARS-CoV-2 cùng với việc triển khai chương trình tiêm chủng chậm ở hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latin và Caribe thời gian qua đã “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế khu vực. Mỹ Latin và Caribe tiếp tục là một trong những điểm nóng của đại dịch. Dù chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới nhưng tỷ lệ tử vong tại khu vực này do đại dịch chiếm tới hơn 25%.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở thủ đô Lima của Peru. Ảnh: Bloomberg |
Định chế tài chính hàng đầu thế giới này dự báo nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2021 nhờ nỗ lực tăng tốc chủng ngừa và giảm số ca tử vong do Covid-19; trong đó, kinh tế Argentina, Colombia, Chile và Peru là các điểm sáng khi có thể ghi nhận mức tăng trưởng từ 7,5% đến 11,3%. Dù vậy, những con số này không thể góp phần đảo ngược hoàn toàn mức sụt giảm 6,7% của khu vực vào năm ngoái.
Thậm chí, ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu bùng phát, bức tranh nền kinh tế của Mỹ Latin và Caribe đã rất trì trệ so với phần còn lại của thế giới. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) cho biết, nền kinh tế khu vực chỉ tăng trưởng trung bình 0,3%/năm trong giai đoạn 2014-2019, thấp hơn cả trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (0,9%) hay thời kỳ Đại suy thoái (1,3%).
Theo WB, quá trình hồi phục kinh tế của khu vực Mỹ Latin và Caribe sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát, áp lực lạm phát kéo dài, nợ doanh nghiệp cao, thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng tăng. Do đó, chính phủ các nước phải khẩn trương triển khai những cải cách đã bị trì hoãn quá lâu nhưng vẫn còn khả thi trong lĩnh vực hạ tầng, y tế, giáo dục, chính sách năng lượng và đổi mới sáng tạo, cũng như đối mặt với các thách thức do biến đổi khí hậu.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()