Nguy cơ mất an toàn giao thông từ đốt gỗ phế phẩm
LSO-Thời gian qua, dọc tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Hữu Lũng, nhiều cơ sở bóc gỗ đã xây các lò đốt phế phẩm. Từ việc bóc gỗ rất gần đường quốc lộ và đốt các phế phẩm đó gây nên hiện tượng khói bay mù mịt, làm hạn chế tầm nhìn của lái xe khi tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Các cơ sở bóc gỗ xây lò, đốt gỗ phế phẩm gần quốc lộ gây khói
ảnh hưởng đến tầm nhìn của các lái xe khi tham gia giao thông
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng, thành viên Ban An toàn giao thông huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 45 cơ sở bóc gỗ với trên 60 đầu máy đang hoạt động, hằng tháng chế biến được trên 2.000 m3 gỗ các loại. Với việc bóc gỗ với số lượng như vậy, việc các cơ sở thải ra một lượng phế phẩm từ gỗ là khá lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho các chủ cơ sở, người dân thông qua các buổi họp tại khu dân cư không đốt phế phẩm vào giờ cao điểm là ban ngày khi lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông cao, xây các lò đốt ra xa khu dân cư và quốc lộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ sở đã không tuân thủ quy định, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường của huyện lập danh sách xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ riêng trên đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Hữu Lũng từ cây xăng Hải Linh, thuộc địa phận xã Minh Sơn đến đoạn Công ty Cổ phần Võ Nói thuộc địa phận xã Đồng Tân với chiều dài gần 10 km mà có tới trên 10 cơ sở bóc gỗ các loại, chủ yếu các cơ sở này đều nằm gần tuyến quốc lộ để tiện vận chuyển hàng hóa. Chính vì vậy, khi các cơ sở này đồng loạt đốt các phế phẩm thì lượng khói tỏa ra là không nhỏ nên đã phần nào ảnh hưởng đến các xe khi lưu thông qua đây.
Anh Nguyễn Duy Đông, lái xe tuyến Lạng Sơn – Hà Nội cho biết: Tôi thấy trước kia, khi các xưởng bóc gỗ chưa nhiều như bây giờ thì việc đốt các phế phẩm từ việc bóc gỗ có gây khói song không ảnh hưởng nhiều. Nhưng hiện nay, trên dọc đoạn tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa phận huyện Hữu Lũng, đặc biệt khu vực gần thị trấn, nhiều cơ sở bóc gỗ mọc lên, đồng nghĩa với việc các cơ sở này đốt mùn, gỗ phế phẩm nhiều hơn nên gây ra khói rất nhiều, làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của lái xe. Khi đi qua đoạn đường này, chúng tôi phải tập trung quan sát thật kỹ, nếu không nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn.
Không chỉ những tài xế khi tham gia giao thông trên đoạn đường này bị ảnh hưởng bởi khói mà một số hộ dân sống gần những xưởng bóc gỗ này cũng bị ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống của họ. Bà Nguyễn Thị Len, người dân xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Gia đình tôi sống khá gần một số xưởng bóc gỗ. Khi các xưởng đốt những phế phẩm của việc bóc gỗ thì bắt đầu xuất hiện khói mù mịt; khi trời có gió thì không sao, trời không có gió, khói quẩn không bay đi đâu được nên rất khó chịu, thậm chí có những hôm đúng bữa cơm gia đình mà bị khói quá là không dùng cơm được, phải ra ngoài đợi hết đợt khói mới tiếp tục dùng bữa.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, nguyên nhân được xác định do người dân đốt rơm, rạ gần đường cao tốc, tuyến quốc lộ gây nên khói, làm ảnh hưởng tầm nhìn. Cụ thể như mới đầu tháng 4/2018, trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, khói mù mịt che khuất tầm nhìn tài xế trên cao tốc khiến một loạt xe ô tô tông nhau liên hoàn; ít nhất 4 người bị thương phải nhập viện cấp cứu, hàng chục xe ôtô hư hỏng, nguyên nhân vụ tông xe liên hoàn được xác định là do người dân đốt đồng gần cầu Đồng Mô (Đồng Nai). Thời điểm đốt đồng có gió thổi mạnh nên khói bốc lên cao, che khuất tầm nhìn khiến tai nạn xảy ra…
Trên địa bàn Lạng Sơn mặc dù chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra do nguyên nhân tương tự, nhưng việc tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng đốt phế phẩm gây khói trên các tuyến giao thông là cần thiết nhằm ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()