Nguy cơ mất an toàn giao thông
LSO-Không học, cũng chẳng thi sát hạch mà vẫn có bằng lái xe, đó là “điểm” chung của không ít người điều khiển xe cơ giới đường bộ hiện nay. Hành vi sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn góp phần làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ đối với người điều khiển xe mô tô trên quốc lộ 1A |
Mua … giấy phép lái xe
Nhà có xe máy, song anh Hướng Viết K, ở xã Phú Xá, huyện Cao Lộc lại không đi học và thi lấy bằng lái xe. Năm 2011, trong lần đi đám cưới ở Thái Nguyên, anh quen một người và được người này gợi ý rằng chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn là có bằng lái xe, không phải học, cũng không phải thi, anh lập tức về chuẩn bị tiền, ảnh và ghi lại thông tin cá nhân để người này làm giúp. Khoảng 1 tuần sau, anh nhận được GPLX hạng A1, có đóng dấu đỏ chót của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Tấm bằng lái xe theo anh từ đó, cho đến một ngày đầu tháng 12/2015, đang lưu thông trên quốc lộ 1A thì anh bị cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra giấy tờ và phát hiện GPLX mà anh đang sử dụng là giấy phép giả. Anh K trần tình: Vì ngại đi học và thi nên tôi đã “mua” bằng lái xe với giá 800 nghìn đồng, chứ cũng không biết đó là bằng giả.
Trong khi GPLX mô tô có thể mua với giá vài trăm nghìn đồng thì giá của một tấm bằng lái xe ô tô giả lên tới vài triệu đồng. Như trường hợp của lái xe Phan Văn L, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, bị phát hiện sử dụng GPLX ô tô hạng E giả khi đang lưu thông trên quốc lộ 1A thuộc địa phận Lạng Sơn. Tại cơ quan công an, anh L cho biết anh đã bỏ ra 2,5 triệu đồng để mua GPLX này. Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn T. cũng ở Bắc Giang khai nhận rằng anh mua GPLX ô tô hạng D với giá 5 triệu đồng.
Nguy cơ mất an toàn giao thông
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2015 đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, Phòng phát hiện 16 trường hợp sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trung tá Nguyễn Cao Huy, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền Phòng CSGT cho biết: Số GPLX này bao gồm cả GPLX mô tô và GPLX ô tô các hạng, được làm bằng chất liệu giấy và chất liệu nhựa với công nghệ in ấn, sao chép, giả mạo con dấu, chữ ký của sở giao thông vận tải một số tỉnh, thành phố… Việc sử dụng GPLX giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi nguy hiểm, bởi người lái xe không được đào tạo, không được sát hạch mà vẫn có GPLX và điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì nguy cơ mất ATGT rất cao. Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về tình trạng này, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp để góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các trường hợp sử dụng GPLX giả kể trên đều có chung tâm lý ngại học, ngại thi sát hạch hoặc thiếu hiểu biết nên đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, điều kiện và thủ tục thi sát hạch lái xe rất đơn giản, thuận tiện. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên đi học để có kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn, không nên nghe lời những đối tượng xấu mua ở bên ngoài để rồi mất tiền mà GPLX lại không có giá trị sử dụng.
Theo Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng xe cơ giới phải có GPLX và các loại giấy tờ theo quy định. Còn theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt tiền từ 800.000- 1.200.000 đồng; bị tịch thu GPLX; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện đến 7 ngày. |
BẢO VY
Ý kiến ()