Nguy cơ mất an toàn giao thông
LSO-Cấm chăn thả gia súc trên đường giao thông đã được quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Thế nhưng thực tế việc chăn thả gia súc trên các tuyến đường vẫn diễn ra khá phổ biến. Không chỉ chăn thả trên đường thôn, xã mà nhiều người dân còn chăn thả trên cả quốc lộ. Nhiều tai nạn đã xảy ra và người tham gia giao thông vẫn là người bị thiệt thòi.
Chăn thả gia súc trên Quốc lộ 1B đoạn đèo Tam Canh |
Những vụ tai nạn không thể xử phạt
Ngày 2/9/2014, anh Nguyễn Hồng Tuyển, khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đã gặp phải một tai nạn giao thông. Kể lại câu chuyện giọng anh đầy bức xúc: “Hôm ấy tôi chở hàng lưu thông trên tuyến 4B, gặp đàn trâu tôi đã cố tình giảm tốc độ, nép vào bên đường. Thế nhưng tự nhiên có chiếc xe tải đi ngược chiều, con trâu sợ quá lồng lên húc vào xe tôi làm cả người và xe lăn xuống rãnh. Thế nhưng chủ trâu vẫn bắt đền vì làm sứt da con trâu của họ, trong khi đó tôi rách tay chảy máu thì chẳng ai đoái hoài”.
Còn anh Phạm Bình Minh, giáo viên Trường THCS Sông Hóa, huyện Chi Lăng thì đang lái xe xuống dốc, anh không để ý hai con trâu húc nhau rồi đuổi nhau lao thẳng ra đường. Thấy chú trâu hung hăng cứ nhằm thẳng hướng anh phóng đến, anh đành lao xe xuống ruộng. May lúc đó có lực lượng công an làm nhiệm vụ gần đấy, họ chỉ có thể giúp anh đưa xe lên mà không thể xử phạt trâu – “thủ phạm” gây tai nạn sau cú ngã của anh, thôi không húc nhau nữa mà nhởn nhơ gặm cỏ ven đường.
Chăn thả gia súc – chuyện thường ngày trên đường
Hiện không riêng trên Quốc lộ 4B nơi anh Tuyển gặp tai nạn, mà khắp các tuyến đường ngoại thành, ngoại thị nạn thả trâu bò rông, chăn thả gia súc đã trở nên khá phổ biến. Có thể liệt kê một số đoạn quốc lộ như tuyến 1B đoạn đèo Tam Canh, đoạn cuối thị trấn Bình Gia, đoạn xã Lương Năng, huyện Văn Quan; tuyến quốc lộ 4A đoạn xã Hoàng Việt, đoạn xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng; tuyến quốc lộ 4B đoạn xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình, xã Đình Lập, Bắc Lãng, Châu Sơn, huyện Đình Lập… Và còn rất nhiều tuyến đường khác cũng phổ biến hiện tượng này. Khi chăn thả cũng có những người dân có ý thức, họ trông gia súc, lùa gia súc đi thành hàng có cảnh báo, nhưng phần lớn là để mặc gia súc thong dong trên đường. Việc chăn thả gia súc trên đường đã gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông còn làm hỏng một phần kết cấu, cọc tiêu biển báo đường bộ.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Quản lý Xây dựng Giao thông Lạng Sơn, 8 tháng đầu năm 2014, đơn vị phải tu bổ trên 80 điểm cọc tiêu, biển báo, rào chắn bị trâu, bò làm gãy đổ, biến dạng. Chăn thả gia súc cũng gây ô nhiễm môi trường trên đường, nhưng nguy hiểm hơn là những tai nạn do người tham gia giao thông bị gia súc gây tai nạn. Khi đã tai nạn, người bị nạn khó tìm được chủ gia súc, có báo các cơ quan chức năng cũng khó có căn cứ xử lý bởi va chạm, tai nạn với gia súc là vô cùng đặc thù.
Cần một giải pháp dài hơi
Cũng qua tìm hiểu tâm tư của những cư dân chăn thả gia súc, anh Lý Văn Quán, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình tâm sự: “Cũng biết thả trâu bò trên đường là nguy hiểm nhưng không lùa trâu bò đi thì biết chăn ở đâu”. Cách giảm bớt nguy hiểm của anh là cho bò đi sớm, đi thành hàng sát lề. Nhưng cả xã có hàng trăm hộ nuôi gia súc không phải ai cũng làm được như anh. Qua những điều mắt thấy tai nghe trên, chúng tôi thiết nghĩ, Luật Giao thông đường bộ quy định cấm chăn thả gia súc trên quốc lộ, không có cách nào khác các cấp chính quyền phải tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của người dân, hạn chế dần chăn thả gia súc tiến tới quy hoạch vùng chăn nuôi, khuyến khích nuôi nhốt chuồng. Có như vậy mới hạn chế mất an toàn giao thông do gia súc gây ra, mà những tai nạn do gia súc là những tai nạn đã được biết trước.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()