Nguy cơ mất an toàn giao thông
LSO-Tuyến đường huyện 28 từ trung tâm thị trấn Cao Lộc đi qua các xã: Hợp Thành, Hoà Cư, Hải Yến, Cao Lâu, huyện Cao Lộc có chiều dài gần 30 km được đầu tư nâng cấp, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi tham gia giao thông cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, một số đoạn đã có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, mất an toàn giao thông (ATGT).
Người dân đi lại trên tuyến đường huyện 28 rất khó khăn khi một số đoạn đã xuống cấp |
Theo quan sát của phóng viên, tuyến đường huyện 28 hiện nay khá xấu, mặt đường chỉ rộng chừng hơn 3 m nhưng nhiều đoạn lồi lõm, vá chằng chịt, thậm chí nhiều đoạn có những ổ gà sâu đến 20 cm. Theo phản ánh của người dân tại đây, tuyến đường này bị hư hỏng nặng là do thời gian qua, các phương tiện có tải trọng lớn thường xuyên đi lại. Những ổ gà, điểm lồi lõm trên mỗi khi trời mưa đều là điểm ngập nước, bùn ứ đọng, vô hình chung đã và đang là những cái bẫy ở trên đường. Mưa là thế, còn nắng thì bụi mù mịt, người dân khi đi trên đoạn đường này mỗi khi phải đi sau xe ô tô đều phải dừng lại chờ xe đi qua một đoạn cho hết bụi mới có thể đi được hoặc “liều mình” xin đường để vượt lên.
Ông Hoàng Văn Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho biết: Tuyến đường huyện 28 đoạn qua địa bàn xã Hải Yến dài gần 9 km, trong những năm vừa qua, đường được quan tâm đầu tư nâng cấp, bà con nơi đây rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, chưa được bao lâu, đến nay, một số đoạn đường qua địa bàn xã đã bị xuống cấp, thời gian gần đây, một số người dân khi tham gia giao thông do không chú ý quan sát, đặc biệt vào những lúc trời mưa và buổi tối đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn, hoặc va quệt. Mặc dù chưa có thiệt hại về người, song đây cũng là nỗi lo thường trực của chính quyền và nhân dân nơi đây.
Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn xã đều nằm cạnh mặt đường và là tuyến đường chính nên giáo viên và các em học sinh đi lại cũng trở nên khó khăn. Đường hẹp, cong cua nhiều, mặt đường lồi lõm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài việc bị xuống cấp, tuyến đường này còn có nhiều đoạn cua rất gấp nhưng biển báo giao thông chưa được lắp đặt đầy đủ để chỉ dẫn, cảnh báo. Nhiều đoạn, công trình dân sinh lấn chiếm hành lang giao thông che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; rãnh thoát nước không được nạo vét thường xuyên khiến cho bùn đất, đá lấp đầy và tràn lên cả mặt đường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân cũng như sự an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông. Ông Hoàng Văn Sinh, người dân xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: Đường xuống cấp cộng với nhiều ổ gà, ổ trâu nên việc đi lại, mua bán, trao đổi, giao lưu hàng hóa của người dân như chúng tôi trở nên rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều điểm khắc phục chưa được đồng bộ dẫn tới vá ngày trước, ngày sau lại bong tróc to hơn, do vậy, khi những phương tiện đi ngược chiều nhau trên các đoạn đường đã bị hư hỏng nếu không xử lý tốt sẽ dẫn đến việc va chạm cũng như dẫn đến tình trạng lái xe mất lái và dễ xảy ra tai nạn.
Ông Dương Công Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc cho biết: Tuyến đường huyện 28 được bàn giao cho huyện quản lý bắt đầu từ năm 2015, tuy nhiên, trước khi bàn giao, trên tuyến đã có một số đoạn xuống cấp. Thời gian qua, công tác duy tu, bảo dưỡng đường vẫn được chúng tôi thực hiện nhưng do kinh phí hạn hẹp nên việc duy tu cũng chỉ giúp được một phần cho người dân đi lại thuận tiện. Huyện cũng đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sớm đầu tư, nâng cấp tuyến đường để người dân nơi đây đi lại an toàn, thuận lợi.
Có thể thấy rằng, mặc dù tai nạn giao thông trên tuyến đường này chưa xảy ra nhiều, nhưng với tình trạng trên, các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc, có sự quan tâm đầu tư sửa chữa, cải tạo tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()