Nguy cơ lỡ cơ hội chuyển đổi xanh
Liên hợp quốc dự báo, 17 công nghệ tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh có thể tạo ra thị trường trị giá hơn 9.500 tỷ USD vào năm 2030, gấp khoảng ba lần quy mô nền kinh tế Ấn Độ hiện nay. Tuy nhiên, nếu các chính phủ và cộng đồng quốc tế không có hành động quyết đoán ngay bây giờ, nhiều nước đang phát triển có thể tụt lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ xanh.
(Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN) |
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố báo cáo cho thấy, các nước phát triển nhất thế giới đang bứt phá nhanh chóng trong cuộc cách mạng chuyển đổi xanh.
Từ xuất phát điểm tương đương nhau, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghệ xanh của các quốc gia phát triển tăng vọt từ 60 tỷ USD năm 2018 lên 156 tỷ USD vào năm 2021. Cũng trong khoảng thời gian đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ xanh của các quốc gia đang phát triển chỉ tăng từ 57 tỷ USD lên 75 tỷ USD.
Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng, thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng dựa trên các công nghệ xanh. Làn sóng công nghệ mới sẽ tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Nếu không kịp thời thu hẹp khoảng cách phát triển, các quốc gia sớm ứng dụng công nghệ sẽ có được nhiều lợi thế, khiến các nước đang phát triển càng khó bắt kịp.
Chỉ số của UNCTAD về mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ tiên tiến cho thấy, rất ít quốc gia đang phát triển có đủ năng lực cần thiết để tận dụng lợi ích từ các công nghệ xanh như chuỗi khối, máy bay không người lái, chỉnh sửa gien, công nghệ nano, năng lượng mặt trời… Hà Lan, Singapore, Thụy Điển và Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng với các công nghệ tiên tiến.
Một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Philippines, Việt Nam… cũng thể hiện được sự nhanh nhạy trong ứng dụng và khai thác các công nghệ xanh. Trong khi đó, các quốc gia ở Mỹ Latin và Caribe, châu Phi cận Sahara có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ hiện tại.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc kêu gọi các nước đang phát triển hành động nhanh chóng và chuyển sang quỹ đạo phát triển hướng đến nền kinh tế đa dạng, năng suất cao và có khả năng cạnh tranh hơn.
Theo phân tích của UNCTAD, các cuộc cách mạng công nghệ trước đây đã cho thấy rõ việc những quốc gia áp dụng công nghệ sớm hơn có thể tiến nhanh hơn và tạo ra những lợi thế lâu dài. Ngược lại, việc bỏ lỡ làn sóng công nghệ do chính sách không được quan tâm đầy đủ hoặc thiếu đầu tư vào việc nâng cao năng lực thích ứng sẽ gây ra những tác động tiêu cực trong dài hạn.
UNCTAD kêu gọi chính phủ các nước đang phát triển điều chỉnh các chính sách về môi trường, khoa học, công nghệ, đổi mới và công nghiệp, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực xanh hơn, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang hàng hóa xanh.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị thiết lập các chương trình hợp tác, nhằm phối hợp nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh ở cấp độ đa quốc gia, tăng cường hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ xanh và đổi mới, xây dựng quỹ đa phương để khuyến khích các sáng kiến chuyển đổi xanh…
Các quốc gia đang phát triển dường như đang kẹt giữa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chật vật để tiếp cận công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, giảm tác động biến đổi khí hậu.
Các nước này cần được đầu tư và chuyển giao công nghệ nhiều hơn, cũng như tăng cường tham gia các hiệp định thương mại và khí hậu toàn cầu. Giám đốc công nghệ và hậu cần của UNCTAD Shamika Sirimanne cho rằng, việc các nước phát triển từ bỏ bằng sáng chế có thể góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ liên quan biến đổi khí hậu. Điều này sẽ có lợi cho tất cả quốc gia trong nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu không phải cuộc chiến của riêng ai. Bằng cách đoàn kết, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng công nghệ phát triển, thế giới có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của tiến trình chuyển sang một nền kinh tế xanh hơn, thịnh vượng và bền vững hơn cho thế hệ tương lai.
Ý kiến ()