Nguy cơ leo thang căng thẳng trong vấn đề Ukraine
Theo truyền thông Nga, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban (V.Ô-ban), Tổng thống Nga Vladimir Putin (V.Pu-tin) cho rằng, những lo ngại về an ninh của Nga đã bị phớt lờ khi căng thẳng bùng phát giữa Moskva và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề Ukraine.
Theo Tổng thống Putin, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ tạo ra nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và liên minh quân sự này về bán đảo Crimea. Đây là những phát biểu công khai đầu tiên của ông Putin trong nhiều tuần qua về cuộc khủng hoảng này.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (X.La-vrốp) tuyên bố Nga đang gửi đề nghị chính thức tới NATO và Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu (OSCE), kêu gọi làm rõ việc triển khai các cam kết không củng cố an ninh của tổ chức theo những cách có thể tổn hại tới an ninh của các bên khác. Theo ông Lavrov, Nga không chỉ tìm kiếm những cam kết từ các nước phương Tây mà còn muốn thấy những bảo đảm an ninh có ràng buộc về pháp lý cho toàn châu Âu, trong đó có những lợi ích hợp pháp của Nga.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Ukraine, Thủ tướng Anh Boris Johnson (B.Giôn-xơn) tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ được áp dụng nếu Moskva có động thái gây xung đột với Ukraine. Ông Johnson cảnh báo, nếu một cuộc xung đột nổ ra, nó sẽ kết thúc bằng một thảm họa nhân đạo, chính trị và quân sự đối với Nga và thế giới.
Thủ tướng Ba Lan tuyên bố, Ba Lan sẽ cung cấp khí đốt và vũ khí nhằm giúp Ukraine đối mặt mối đe dọa về một cuộc can thiệp quân sự tiềm tàng. Thủ tướng Ba Lan kêu gọi Đức không khởi động đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức và châu Âu, cho rằng điều đó gây rủi ro an ninh nghiêm trọng cho toàn bộ châu Âu.
Ý kiến ()