Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các cơ sở tắm lợn
LSO-Cuối tháng 1/2017, tại cơ sở dịch vụ chăm sóc, tắm lợn ở thôn Bình Cằm, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, cơ quan thú y kiểm tra một xe chở lợn, qua đó phát hiện trong xe chở gần 10 tấn lợn có 79 con đã tuột móng. Sau khi lấy mẫu và phân tích nhanh, lực lượng chức năng đã quyết định lập biên bản thu giữ và tiến hành tiêu hủy toàn bộ gần 10 tấn lợn trên.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng các xe chở lợn lưu thông qua Trạm Kiểm dịch Động vật Hữu Lũng trước khi nhập vào tỉnh – Ảnh: TRÍ DŨNG |
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Vụ việc này được thực hiện rất khẩn trương, vì biểu hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã khá rõ ràng; qua kiểm tra, người chở lợn không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch, đồng thời xe chở cũng đã cắt kẹp chì. Và với những biểu hiện lâm sàng rõ ràng của bệnh LMLM như vậy, nếu để lâu nguy cơ bệnh lây lan sẽ cao.
Thời gian qua, số lượng xe vận chuyển lợn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khá lớn. Từ đầu năm 2017 hết ngày 8/3/2017, số lượng xe chở lợn nhập tỉnh kiểm soát qua Trạm Kiểm dịch Động vật Hữu Lũng là 1.448 chuyến, trong đó lợn thịt là gần 134 nghìn con, lợn con là hơn 28 nghìn con. Hầu hết số lợn lưu thông qua Trạm Kiểm dịch Động vật Hữu Lũng đều được kiểm tra kỹ về giấy tờ kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng và phun tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, vẫn còn một vài xe chở lợn chủ hàng thu mua theo cách thu gom nhỏ lẻ, do vậy không có giấy chứng nhận nguồn gốc cũng như giấy kiểm dịch, họ vào tỉnh bằng đường nhỏ, trốn trạm kiểm dịch.
Thực tế, khi lượng lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh tăng, việc người dân xây các khu tập kết để tắm và chăm sóc lợn là điều tất yếu. Tuy nhiên, hầu hết các điểm này đều không có giấy phép kinh doanh, môi trường không bảo đảm, nước thải xả trực tiếp ra sông, suối. Nếu các xe chở lợn mang mầm bệnh thì nguy cơ lây lan bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cao. Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh đưa một số ví dụ điển hình để chứng minh cho điều này. Đó là, khoảng giữa năm 2016, trên địa bàn huyện Tràng Định, gần tuyến quốc lộ qua địa bàn xuất hiện đàn trâu của người dân nuôi bị bệnh LMLM. Qua tìm hiểu, nguyên nhân gây bệnh là do ngay khu cạnh đó có một cơ sở tắm lợn, nước xả thải ra khu vực suối cạnh đó, đàn trâu uống nước ở đó và bị lây bệnh. Trường hợp thứ 2, vào cuối năm 2016, tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng xuất hiện đàn lợn hơn 30 con cũng bị nhiễm bệnh LMLM. Theo điều tra dịch tễ, đàn lợn bị lây từ đàn lợn mua lại của những xe chở lợn ở tỉnh dưới xuôi lên bán… Những ví dụ nêu trên chưa khẳng định 100% gia súc bị bệnh LMLM và một số bệnh khác trong thời gia qua tại tỉnh đều xuất phát từ các địa điểm tắm lợn. Nhưng theo xét nghiệm và kiểm chứng của ngành thú y thì, việc nước thải từ tắm lợn xả ra hệ thống sông suối sẽ lây lan dịch bệnh rất nhanh nếu trong nước đó có nguồn bệnh.
Chăm sóc lợn tại một điểm tập kết trên tuyến quốc lộ 1A (địa bàn huyện Chi Lăng) |
Tại cuộc họp vào cuối tháng 1/2017 tại UBND tỉnh, ông Lê Trí Thức, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đã kiến nghị về vấn đề này. Ông Thức nêu một ví dụ là các chủ xe chở lợn đã vứt 8 con lợn bị bệnh chết trên tuyến đường trong địa bàn thành phố. Điều này càng cho thấy rõ hơn, mặc dù chưa phát hiện nhiều, nhưng số lợn bị bệnh theo các xe chở lợn lưu thông vào địa bàn tỉnh là có, và chắc chắn, các xe này cũng sẽ sử dụng dịch vụ chăm sóc lợn tại điểm tập kết nào đó, như vậy, nguy cơ lây lan bệnh từ các điểm này luôn tiềm ẩn.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: Tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh như vậy, nhưng ngành thú y không thể kiểm soát được các cơ sở, điểm tắm lợn trên địa bàn. Bởi, ngoài việc lực lượng cán bộ thú y tại các huyện mỏng thì cán bộ thú y không có chức năng kiểm tra các cơ sở đó. Nhằm phòng, chống và ngăn chặn nguy cơ lây bệnh từ các cơ sở chăm sóc, tắm lợn, Chi cục Thú y đã chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố tuyên truyền cho các chủ cơ sở tắm lợn thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng thường xuyên, và đặc biệt là không xả nước thải ra môi trường xung quanh.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()