Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành rất cao
Trong số 459 ca mắc COVID-19, có 276 ca nhập cảnh, được quản lý ngay; còn lại là 183 ca phát hiện tại cộng đồng. Hiện đã có 369 ca được điều trị khỏi; 90 ca đang được điều trị, trong đó có 2 ca nặng; 9 ca đã âm tính lần 1; 3 ca âm tính từ lần 2 trở lên.Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế cho biết, tính đến 9h00, ngày 30/7 Việt Nam đã ghi nhận 459 ca mắc, đứng thứ 162/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; đứng thứ 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á.
Bộ Y tế nhận xét, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng. Đến nay Đà Nẵng đã ghi nhận có 43 ca mắc COVID-19, trong đó có cả nhân viên y tế. Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước rất cao.
* Trước tình hình Hà Nội đã xuất hiện ca nhiễm COVID-19 có liên quan đến thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội không được chủ quan, lơ là, không được mất cảnh giác cũng như không quá hoang mang, lo lắng.
Tính đến thời điểm hiện tại, số người từ Đà Nẵng về Hà Nội là hơn 21 nghìn người. Trong đó, 87 người có biểu hiện sốt, ho, khó thở, có 6/87 âm tính. UBND TP Hà Nội quyết định khởi động lại tất cả hoạt động của các Ban Chỉ đạo từ cấp tổ dân phố đến thôn, xóm, bản, phường, xã/quận, huyện, sở ban ngành. Phải bảo đảm trực 24/24/7 để sẵn sàng khả năng ứng phó với thông tin dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ lấy mẫu tất cả những trường hợp đến từ các tỉnh miền Trung, nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam. Trước mắt, tiến hành test nhanh hơn 21 nghìn trường hợp về từ Đà Nẵng, bắt đầu thực hiện từ hôm nay đến ngày thứ 7, trường hợp nào dương tính sẽ tiến hành xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
Theo đó, tất cả F1 phải lấy mẫu xét nghiệm cách ly ngay lập tức, lấy trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ cao làm nơi cách ly và khởi động lại Ban quản lý này, toàn bộ chế độ ăn uống phục vụ như giai đoạn trước;
Các trường hợp F2 cách ly tại nhà, có biểu hiện ho khó thở thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm;
Các trường hợp sốt, ho khó thở đều phải xét nghiệm; trường hợp ho sốt đến nhà thuốc mua thuốc phải thông báo cho cơ quan chức năng để bám sát tình hình, phổ biến cho người dân.
Các đơn vị, cơ quan phải có nước sát khuẩn; người dân tham gia giao thông phải đeo khẩu trang.
Các hội chợ, hội nghị xúc tiến cung cầu, lễ hội, quán bar… trên địa bàn Hà Nội tạm dừng hoạt động.
* Trong ngày 29/7, Bộ Y tế đã ban hành Thông báo khẩn số 18, đề nghị những cá nhân đi tới một số địa điểm ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần làm theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng phòng ngừa dịch bệnh.
Về tình hình điều trị, Bộ Y tế cho biết, sáng ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc mới, đa số các bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng ổn định.
Riêng tại Đà Nẵng có một số bệnh nhân COVID-19 nặng, các bệnh nhân này đều có bệnh lý nền là suy thận mãn, tăng huyết áp, gout, tim mạch, COPD, thậm chí có cả bệnh ung thư.
Ngay trong đêm qua, Bệnh viện Đà Nẵng đã chuyển 2 bệnh nhân số 436 và 438 ra điều trị/cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Hiện có hai bệnh nhân ở Đà Nẵng phải can thiệp ECMO.
Các trường hợp nhiễm COVID-19 các đang theo dõi. Tiểu ban điều trị yêu cầu các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 cần theo dõi sát bệnh nhân, chú ý tuyệt đối không được chủ quan../
Theo Chinhphu
Ý kiến ()