Không ít bệnh viện khi bị cắt bao cấp từ ngân sách, bước vào tự chủ tài chính đã lo lắng thu không đủ để trả lương và các hoạt động khác của bệnh viện. Dù giá dịch vụ y tế vừa tăng 30% và sắp tới tăng 50% nhưng lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở khi nguồn thu của bệnh viện lại trông chờ vào lượng người bệnh đến khám nhiều hay ít, thời gian điều trị lâu hay mau, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao hay thông thường… Trong khi đó, người bệnh không bị giới hạn nơi khám, chữa bệnh, được tự do lựa chọn bất kỳ nơi khám bệnh ở tuyến huyện và từ năm 2021 được tự do chọn các bệnh viện tuyến tỉnh. Đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh-pôn thừa nhận, khi thực hiện cơ chế mới, điều sống còn đối với bệnh viện là nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng phục vụ. Việc thu tiền từ KCB có đủ để trả lương và tái đầu tư bệnh viện hay không chưa thể biết trước, phải chờ thời gian trả lời. Trong khi đó, từ thực tiễn “thí điểm” cơ chế tự chủ tài chính nhiều năm qua, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, để hoạt động hiệu quả khi chuyển cơ chế, trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện cao hơn rất nhiều. Một lúc phải tính toán nhân lực, trang thiết bị, hành vi ứng xử cho cả quá trình phát triển. Tiết kiệm từ giọt nước, bóng đèn, tờ giấy in… đến vị trí việc làm, một người phải làm nhiều vị trí. Bệnh viện phải tìm mọi cách lấy lòng người bệnh, chào đón để họ đến với mình. Thực hiện điều chỉnh giá, sẽ có bệnh viện rất phát triển nhưng cũng có bệnh viện “teo tóp” đi.
Chính vì nguồn thu quyết định sự tồn tại của bệnh viện, các chuyên gia, nhà quản lý lo ngại tình trạng cơ sở KCB lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định quá mức cho người bệnh trong quá trình điều trị, miễn sao thu càng nhiều càng tốt. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng TS Trần Tuấn phân tích: Lâu nay đã diễn ra tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật thì khi thực hiện giá mới sẽ có nhiều nguy cơ tái diễn bởi các bệnh viện chịu áp lực gia tăng nguồn thu. Một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại một bệnh viện trung ương cũng cho biết, tình trạng lạm dụng chụp cộng hưởng từ – một kỹ thuật đắt tiền – dễ bị lạm dụng khi người bệnh là người nhà của nhân viên y tế. Nguy cơ này cũng được phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam lường trước. Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH) Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, việc tăng giá dịch vụ y tế có thể là nguyên nhân gây tăng những dịch vụ kỹ thuật không cần thiết. Chẳng hạn, trước đây một ngày bệnh viện chỉ định 30% người bệnh đến khám làm siêu âm thì nay con số đó tăng lên 50% để thu được tiền nhiều hơn. Bệnh viện chỉ định người bệnh điều trị nội trú dù bệnh không cần điều trị nội trú, để bệnh viện được thu tiền ngày giường. Hoặc có thể, lợi dụng quy định thông tuyến, một người bệnh cùng xuất hiện tại nhiều cơ sở KCB trong thời gian để lấy thuốc bảo hiểm. Vừa qua, đã xảy ra tình trạng một số bệnh viện loại bỏ các máy chụp cắt lớp 32 dãy để đầu tư máy 64 dãy – 128 lát cắt trong khi nhiều trường hợp người bệnh chưa cần những kỹ thuật hiện đại như thế. Hay một số địa phương xảy ra tình trạng nhân viên của bệnh viện đi khám bệnh tăng hơn so với đối tượng hành chính sự nghiệp bình thường với mục đích lấy thuốc BHYT…
ĐỂ bảo đảm sự cân đối của Quỹ BHYT, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc giám sát các bệnh viện thu đúng, Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn trong KCB, chẳng hạn, quy định cao nhất số lượt khám mỗi ngày đối với một bàn khám, số lượt siêu âm đối với một máy siêu âm, tình trạng bệnh để được điều trị nội trú… nhằm vừa tăng chất lượng khám, vừa thuận lợi cho cơ quan bảo hiểm khi thanh toán. Về vấn đề này, ông Lê Văn Khảm, Vụ phó Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật là một vấn đề cần quan tâm sau tăng giá, một mặt Bộ Y tế chỉ đạo ngăn ngừa sự lạm dụng, mặt khác cơ quan BHXH cần tăng cường giám sát, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nhận diện các sai phạm. Về trách nhiệm của ngành BHXH, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết, các gian lận y tế sắp tới sẽ được “lọc” bởi quy trình giám định mới bằng hệ thống công nghệ thông tin được kết nối tại các cơ sở KCB và liên thông với cơ quan BHXH trên cả nước. Theo đó, thông tin KCB của các bệnh viện sẽ được chuyển hằng ngày cho cơ quan BHXH và phần mềm ứng dụng sẽ kiểm soát được lịch sử KCB của một người bệnh, cho phép phát hiện trường hợp người bệnh nhiều lần trong ngày đến các bệnh viện liên tục để xin thuốc… Phần mềm cũng liệt kê toàn bộ danh mục dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện được sử dụng, chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế để phát hiện trường hợp chỉ định dịch vụ y tế, thuốc, vật tư vượt quá giới hạn, không có chứng chỉ vẫn cung cấp dịch vụ y tế. Khi hệ thống phát hiện các sai sót, cán bộ BHXH tiến hành hậu kiểm trực tiếp trên hồ sơ bệnh án, quỹ BHYT sẽ không thanh toán nếu chỉ định sai. Ngoài ra, hằng tháng, tại các bệnh viện, tổ giám định BHYT của BHXH sẽ trực tiếp giám định 30% số hồ sơ bệnh án do máy chọn ngẫu nhiên để xem việc lập hồ sơ đúng hay sai. Với việc giám định theo tỷ lệ, sai sót của 30% số bệnh án sẽ được khấu trừ cho toàn bộ 70% số bệnh án còn lại. Thực tế thí điểm thời gian qua cho thấy, các bệnh viện đã thận trọng, nghiêm túc trong việc thống kê thanh toán chỉ định điều trị, lập hồ sơ bởi nếu sai sót nhiều, bệnh viện sẽ bị Quỹ BHYT trừ tiền theo tỷ lệ.
Người bệnh cần tìm hiểu, nâng cao nhận thức của mình về giá KCB để tự bảo vệ quyền lợi, tránh bị thu thêm tiền. Ưu điểm của lần điều chỉnh giá khám, chữa bệnh BHYT lần này là quy định rõ giá đã được tính đủ các chi phí thuốc, vật tư y tế, các bệnh viện không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính vào giá, trừ số tiền đồng chi trả theo quy định và tiền chênh lệch giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, nhưng người dân vẫn rất hạn chế trong việc cập nhật thông tin. Nhiều người bệnh khi được hỏi đều cho biết, họ tin tưởng vào chỉ định, yêu cầu của bác sĩ, không quan tâm đến quy định mới. Các nhà quản lý khuyến cáo người bệnh, có thể kiểm tra tại giấy thanh toán khi ra viện, trong đó ghi rõ hai mục: mục BHYTchi trả và mục người bệnh chi trả để biết bệnh viện thu đúng hay không. Các bệnh viện cần công khai danh mục dịch vụ do BHYT chi trả để người dân đối chiếu. Được biết, BHXH Việt Nam cũng sẽ thực hiện quyền giám sát của mình bằng việc thường xuyên đi tới các buồng bệnh để xem người bệnh có được thu đúng hay không. Tại các bệnh viện, luôn có cán bộ BHYT trực để giải đáp ngay các băn khoăn, thắc mắc của người bệnh về chế độ BHYT, do đó, người bệnh có thể báo cho cơ quan BHXH hoặc giám định viên tại bệnh viện về các sai phạm. Người bệnh cũng cần biết, tại các bệnh viện có dịch vụ KCB theo yêu cầu, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu những dịch vụ xã hội hóa không được thay đổi mức giá so với trước đây, do đó, khi giá dịch vụ y tế tăng, BHYT thanh toán nhiều hơn thì phần chênh lệch mà người dân phải trả sẽ ít hơn so với trước đây.
Tuy sẽ có nhiều giải pháp để ngăn chặn việc lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người thầy thuốc, của bệnh viện vì sức khỏe người bệnh, sự an toàn của Quỹ BHYT và môi trường y tế phát triển lành mạnh sau thời điểm thực hiện cơ chế mới.
Dự kiến năm 2018 tăng mức đóng BHYT Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH) Lê Văn Phúc cho biết, năm 2015, toàn ngành vẫn cân đối được quỹ BHYT. Nếu áp dụng tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế từ ngày 1-7 thì năm 2016 khó có thể cân đối được quỹ chung của toàn ngành. Bởi trong năm 2015, đã có gần 20 tỉnh bị bội chi quỹ, những tỉnh này khi tăng giá sẽ bội chi sâu hơn nữa. Trong năm 2016, nếu quỹ bội chi thì quỹ kết dư được dành để chi cho năm 2016 và năm 2017. Dự kiến đến năm 2018, tăng mức đóng BHYT thì mới có thể cân đối được quỹ. |
Ý kiến ()