Nguy cơ không đảm bảo vệ sinh trong cấp nước sinh hoạt
LSO-Toàn tỉnh hiện có 27 trạm cấp nước sinh hoạt tại 11 huyện, thành phố (trong đó có 7 giếng nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt). Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hầu hết mẫu nước sinh hoạt trên địa bàn đều có hàm lượng đá vôi vượt quy định. Ngoài ra, nước sinh hoạt tại một số giếng ở thành phố, trạm cấp nước ở một số huyện có thành phần Nitrat vượt tiêu chuẩn cho phép.
Nhân viên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn kiểm tra bể chứa nước tổng tại trụ sở công ty – Ảnh: ĐỖ HOẠT |
Từ đầu năm 2017 đến nay, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã thực hiện giám sát, lấy mẫu nước sinh hoạt hằng tháng tại 27/27 trạm cấp nước của 11 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, số mẫu lấy xét nghiệm là trên 180 mẫu. Qua xét nghiệm, có trên 150 mẫu nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn (chiếm hơn 60% mẫu lấy xét nghiệm).
Ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Về cơ bản, các chỉ tiêu trong nước sinh hoạt như: màu sắc, mùi vị, độ PH, độ ôxy hóa, hàm lượng sắt … đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, chỉ tiêu hàm lượng đá vôi (CaCo3) trong nước sinh hoạt tại tỉnh hiện khá cao, đây là chỉ tiêu từ nhiều năm nay đơn vị cung cấp nước sinh hoạt là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn vẫn chưa thể khắc phục. Cùng đó, tại một số giếng khoan cấp nước tại thành phố, hàm lượng Nitrat (NO3) cũng vượt tiêu chuẩn cho phép.
Theo ông Tiến, nguyên nhân chính là do một số trạm cấp nước tại các huyện hiện đều không có bể lắng trung tâm (bể xử lý trước khi bơm nước vào hệ thống cấp nước cho người dân). Trong khi đó, theo cấu tạo địa chất, nước ngầm trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đá vôi, vì không có hệ thống bể lắng, không được xử lý nên hàm lượng đá vôi trong nước sinh hoạt luôn cao hơn mức cho phép. Còn đối với hàm lượng NO3 tại một số giếng khoan cấp nước tại thành phố vượt tiêu chuẩn là do các giếng khoan này đã có từ lâu, cũng không có hệ thống xử lý trước khi bơm vào hệ thống ống chính để cung cấp cho các hộ. “Như giếng khoan H1 tại khu vực chợ Giếng Vuông, cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực này đã có từ nhiều năm qua. Đặc biệt, mạch nước ngầm tại khu vực này cũng đã bị ô nhiễm, hàm lượng NO3 trong mạch nước ngầm đã vượt tiêu chuẩn. Không có bể xử lý nên khi bơm thẳng vào hệ thống ống cái (ống chính), hàm lượng này vẫn tồn tại trong nước sinh hoạt…”, ông Tiến cho biết.
Không chỉ hàm lượng đá vôi, hàm lượng NO3, nguồn nước sinh hoạt tại một số huyện dễ bị nhiễm vi sinh vật. Nguyên nhân là do đơn vị cung cấp nước sinh hoạt thực hiện việc khử khuẩn hệ thống ống cung cấp nước không thường xuyên.
Ông Vũ Văn Bính, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Công ty đã ký kết hợp đồng thực hiện lấy mẫu nước tại các trạm cấp nước hằng tháng xét nghiệm để nắm bắt rõ những chỉ tiêu trong nước. Về nguy cơ nhiễm vi sinh vật, công ty sẽ chủ động thực hiện việc bơm clo vào hệ thống ống cung cấp nước để khử khuẩn. Ngoài ra, công ty đang tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư bể lọc, hệ thống xử lý tại các trạm bơm, tuy nhiên hiện nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư chưa được đồng bộ. Trước nhu cầu ngày càng cao của người dân về sử dụng nước sạch, để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, công ty vẫn thường xuyên duy tu, sửa chữa, thay thế đường ống. Theo đó, các đường ống gang, ống thép cũ đã và đang được thay thế bằng hệ thống ống nhựa HDPE. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước, công ty đã lập biển báo lưu vực, hành lang bảo vệ và xây dựng rào bảo vệ đầu nguồn nước; thường xuyên theo dõi diễn biến nguy cơ ô nhiễm, kiểm tra chất lượng nước thô.
Mặc dù Công ty Cổ phần Cấp thoát nước đã và đang thực hiện một số giải pháp để đảm bảo vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, nhưng để chất lượng nước sinh hoạt được nâng cao hơn nữa, thì việc đầu tư các hệ thống bể lắng, bể lọc, bể xử lý nguồn nước ngầm trước khi đưa đến cho hộ tiêu dùng là điều rất cần thiết.
LƯU VŨ
Ý kiến ()