Nguy cơ khan hiếm lương thực toàn cầu
Với lý do cần ưu tiên an ninh lương thực và ổn định giá cả trong nước, nhiều quốc gia đã đua nhau áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại điều này có thể gây ra hiệu ứng domino đầy rủi ro trên thị trường lương thực toàn cầu khi hàng loạt quốc gia khác cũng làm theo cách tương tự.
Theo Reuters, tháng 4 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tuyên bố công khai rằng, Ấn Độ sẵn sàng bù đắp một phần cho những thiếu hụt mà thị trường ngũ cốc toàn cầu phải hứng chịu bằng cách tăng lượng bột mì xuất khẩu từ nước này.
Bên trong một khu chợ thực phẩm ở ngoại ô Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Reuters |
Đây là tuyên bố có phần bất ngờ, bởi lâu nay Ấn Độ thường chỉ xuất khẩu một lượng bột mì rất hạn chế và dành hầu hết sản lượng thu hoạch được phục vụ nhu cầu trong nước. Thậm chí, đến ngày 12-5, Bộ Thương mại Ấn Độ vẫn thông báo sẽ cử các phái đoàn đến 9 quốc gia khác để bàn về việc xuất khẩu một lượng kỷ lục 10 triệu tấn bột mì.
Tuy nhiên, quyết định ấy đã bị đảo ngược chỉ trong vòng 24 giờ sau đó, mà theo Reuters, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là sản lượng lúa mì thu hoạch được tại Ấn Độ đã giảm vào đầu tháng 5 vừa qua do mùa màng bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng bất thường.
Thêm vào đó, dữ liệu được đưa ra vào ngày 12-5 cho thấy lạm phát ở quốc gia với 1,4 tỷ dân này đã lên gần tới mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Hệ quả là, theo lời một quan chức Chính phủ Ấn Độ, Văn phòng Thủ tướng Modi ngày 13-5 đã chỉ đạo Bộ Thương mại nước này ngay lập tức hãm phanh hoạt động xuất khẩu lúa mì.
Trên thực tế, Ấn Độ chỉ là một trong ít nhất 19 quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát, khiến giá cả leo thang và ảnh hưởng đến các dòng thương mại nông sản quốc tế, thậm chí còn dẫn tới nhiều cuộc biểu tình ở một số quốc gia.
Reuters cũng cho rằng, việc hàng loạt quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực đúng vào giai đoạn kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cộng với thời tiết cực đoan và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn đã làm gia tăng nạn đói đến mức chưa từng thấy ở khắp nơi.
Tháng 4 vừa qua, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết ngay từ trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra, số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, cụ thể là khoảng 276 triệu người tại 81 quốc gia.
Và theo cảnh báo của WFP, cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ khiến thêm ít nhất 33 triệu người rơi vào tình cảnh tương tự, hầu hết ở vùng châu Phi cận sa mạc Sahara. Bởi, Nga và Ukraine đến nay vẫn là hai nước sản xuất nông nghiệp lớn của thế giới. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ trong mùa vụ 2020-2021, hai quốc gia này đã đóng góp khoảng 28% lượng lúa mì, 15% lượng ngô và 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu ra toàn cầu.
Quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chỉ rõ rằng, các quốc gia thành viên của tổ chức này có quyền áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực cũng như các sản phẩm khác nếu rơi vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng loại sản phẩm đó.
Tuy nhiên, như phân tích của chuyên gia kinh tế Michele Ruta đang làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB), việc các nước hạn chế xuất khẩu có thể khiến giá lương thực toàn cầu tiếp tục leo thang. Và cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới sẽ càng trầm trọng nếu các quốc gia khác cũng đưa ra bước đi tương tự.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng diễn ra hồi năm 2008.
Trong khi các chính phủ, các chuyên gia kinh tế hàng đầu vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho bài toán khủng hoảng lương thực thì người dân ở nhiều nước chỉ còn biết hy vọng sẽ không có bất cứ hiệu ứng domino nào xảy ra khiến nồi cơm vốn đã rất vơi của họ bị đánh đổ.
Ý kiến ()