Nguy cơ Hiệp ước Bầu trời mở ''vắng'' Nga và Mỹ: Lung lay niềm tin chiến lược
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin đệ trình dự luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở lên Quốc hội Nga hồi giữa tháng 5, ngày 27-5, Mỹ cũng thông báo sẽ không quay trở lại hiệp ước này. Giới quan sát cho rằng, đã đến lúc các quốc gia thành viên cần củng cố lòng tin chiến lược hiện đang bị lung lay nghiêm trọng, hướng tới sự ổn định chung mang tính toàn cầu.
Sau 2 tuần cân nhắc, Mỹ đã chính thức thông báo với Nga về việc sẽ không tái nhập Hiệp ước Bầu trời mở. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này đã hoàn thành tiến trình đánh giá lại hiệp ước và “không có ý định tìm cách tái tham gia, do Nga không triển khai bất cứ hành động nào để quay trở lại tuân thủ”. Trước đó, Mỹ cũng đã thông báo quyết định này cho các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những đối tác khác của Washington.
Được ký kết năm 1992, Hiệp ước Bầu trời mở có hiệu lực từ năm 2002 với mục đích tăng cường lòng tin giữa các nước thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Hiệp ước cho phép 34 quốc gia thành viên chính thức tiến hành các chuyến bay giám sát không vũ trang qua vùng trời của nhau theo các hạn ngạch bay thống nhất từ trước.
Được coi là yếu tố thiết yếu trong việc giám sát thực thi các thỏa thuận giải trừ quân bị ở châu Âu, hiệp ước được đánh giá là một trụ cột bảo đảm an ninh ở Lục địa già. Tuy nhiên, sau nhiều năm liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận, Mátxcơva và Washington đã có những bước đi cứng rắn trong việc rời bỏ hiệp ước.
Cụ thể, tháng 11-2020, Mỹ hoàn tất mọi thủ tục cần thiết và rút khỏi hiệp ước. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 1-2021 cũng thông báo khởi động quy trình trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vì nhận thấy việc đàm phán để tiếp tục hiệp ước trong tình hình mới không đạt tiến triển. Mátxcơva đã triển khai dứt khoát, với động thái mới nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình dự luật rút khỏi hiệp ước lên quốc hội nước này hồi giữa tháng 5.
Điện Kremlin tuyên bố, một trong những lý do Nga rút khỏi hiệp ước là bởi sự bất công khi Mỹ vẫn nhận được thông tin tình báo thông qua các đồng minh NATO là thành viên hiệp ước, trong khi chính quyền tân Tổng thống Joe Biden không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ quay trở lại tuân thủ hiệp ước.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát đặc biệt quan tâm việc Tổng thống Joe Biden tuyên bố xem xét lại quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, khả năng này đã không trở thành hiện thực, dẫn tới quan ngại về khả năng sụp đổ hiệp ước khi vắng đi “hai trụ cột chính” là Nga và Mỹ. Nếu điều này xảy ra sẽ khiến an ninh châu Âu bị đe dọa.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Bởi lẽ, nếu Hiệp ước Bầu trời mở “sụp đổ”, ràng buộc kiểm soát vũ khí hạng nặng giữa Nga và Mỹ sẽ chỉ còn là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).
Tuy nhiên, một số quan điểm lại cho rằng, việc tuyên bố không quay trở lại hiệp ước vào lúc này là “nước cờ” của Washington trong việc thể hiện sự cứng rắn trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin.
Sự kiện này được xem là cơ hội để hai nước tìm tiếng nói chung trong một loạt các vấn đề, nhằm vãn hồi mối quan hệ đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Và chắc chắn, Hiệp ước Bầu trời mở sẽ là một trong những chủ đề quan trọng được bàn thảo tại hội nghị này.
Có thể thấy, Hiệp ước Bầu trời mở cũng như niềm tin chiến lược giữa các quốc gia thành viên đang bị lung lay. Hơn bao giờ hết, các nước cần củng cố niềm tin, tạo tiền đề vững chắc hướng đến sự ổn định toàn cầu.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()