Nguy cơ đại dịch Covid-19 đẩy hơn 1,1 tỷ người vào cảnh nghèo cùng cực
Người lao động di cư và người vô gia cư xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí tại Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 1-5, trong thời gian nước này ban bố lệnh phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới (WIDER) thuộc Đại học Liên hợp quốc (UNU) đã đánh giá nhiều kịch bản, xem xét các mức chuẩn nghèo do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra. Theo WB, người nghèo cùng cực là người có mức sống từ 1,9 USD/ngày trở xuống, mức chuẩn nghèo cao hơn là ít hơn 5,5 USD/ngày.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo, theo kịch bản xấu nhất, khi tiêu dùng hoặc thu nhập bình quân đầu người giảm 20%, số người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực có thể vượt mức 1,12 tỷ. Sự sụt giảm với tỷ lệ tương tự cũng sẽ xảy ra với người có mức sống ít hơn 5,5 USD/ngày tại các nước có thu nhập trung bình cao, khiến hơn 3,7 tỷ người (tương đương hơn 50% dân số thế giới) sống dưới mức chuẩn nghèo này.
Ông Andy Sumner, một trong những tác giả của báo cáo nêu trên hối thúc: “Triển vọng của những người nghèo nhất trên thế giới có vẻ ảm đạm trừ phi các chính phủ hành động nhiều hơn, nhanh hơn và bù đắp phần thiếu hụt trong thu nhập hằng ngày mà người nghèo đang đối mặt”. Theo ông Andy, kết quả của quá trình giảm nghèo có thể bị trì hoãn 20-30 năm và mục tiêu xóa nghèo của Liên hợp quốc sẽ giống như một kế hoạch không thiết thực.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng đế London (Anh) và Đại học quốc gia Australia cùng nhất trí, cảnh nghèo sẽ chuyển dịch theo phân bố địa lý. Khu vực dự kiến ghi nhận nhiều người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo cùng cực nhất là Nam Á, sau đó là khu vực châu Phi hạ Sahara.
Đầu tuần này, WB dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ đẩy khoảng 70-100 triệu người sống trong cảnh nghèo cùng cực.
Ý kiến ()