Nguy cơ COVID-19 biến thành cuộc khủng hoảng an ninh ở châu Phi
Giám đốc CDC châu Phi cảnh báo rằng COVID-19 có thể “đầu tiên là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia, thứ 2 mới đến cuộc khủng hoảng kinh tế và thứ 3 là cuộc khủng hoảng y tế.”
Phóng viên TTXVN tại New York dẫn bài viết trên trang “Project Syndicate” ngày 21/4 cho biết những các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo, vẫn dễ bị tổn thương hơn so với các nước giàu có phát triển, không chỉ vì những hậu quả y tế của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra mà còn cả tình trạng mất an ninh, ổn định xuất phát từ những phản ứng đối với dịch bệnh.
Cho đến nay, các biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 vẫn là hạn chế đi lại, quy định giãn cách xã hội và cách ly toàn bộ.
Tuy nhiên, việc hành động nhanh chóng vẫn đóng vai trò quan trọng.
Tại một số quốc gia châu Phi như Rwanda, chính phủ nước này đã ra lệnh ngừng cất cánh tất cả các chuyến bay thương mại trong vòng 30 ngày sau khi phát hiện 11 trường hợp lây nhiễm COVID-19 và sau đó đóng cửa toàn bộ đất nước trong vòng 28 ngày.
Nước láng giềng Uganda cùng một số quốc gia khác như Nigeria, Nam Phi và Ethiopia đã nhanh chóng thực hiện chính sách tương tự.
Tuy nhiên, phản ứng ở những nước khác vẫn còn yếu và rời rạc. Xét tới quy mô của sự kết nối toàn cầu, điều này có thể sẽ gây ra một số quan ngại. Các nước phát triển có các hệ thống y tế tốt hơn nhưng vẫn đang bị tổn thương sâu sắc.
Hãy tưởng tượng xem hậu quả của một ổ dịch lớn như Mỹ tại châu Phi sẽ như thế nào.
Ví dụ, Nigeria – đất nước có khoảng 200 triệu dân, bằng khoảng 2/3 dân số nước Mỹ – nhưng hiện có chưa đến 500 máy thở, so với khoảng 172.000 máy thở của Mỹ.
Khi dịch bệnh này vẫn còn lây lan ở một nước thì tất cả các nước khác vẫn có nguy cơ hứng chịu những đợt lây nhiễm mới.
Nhưng mối nguy hiểm không chỉ đơn thuần là bản thân loại virus mới này.
Ở rất nhiều nước đang phát triển, đại đa số công nhân phụ thuộc vào mức lương khiêm tốn hằng ngày và không thể làm việc từ xa. Vì vậy, các biện pháp giãn cách xã hội có thể đe dọa cuộc sống của họ.
Chỉ có thể thông qua sự lãnh đạo mạnh mẽ và các quyết sách đúng đắn, các chính phủ ở châu Phi mới có thể bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương này. Thực tế, một số quốc gia đã nêu tấm gương tích cực.
Chính phủ Rwanda đã thông báo các kế hoạch cung cấp lương thực cho hơn 20.000 hộ gia đình khó khăn ở thủ đô Kigali, đồng thời cung cấp miễn phí các dịch vụ thiết yếu như điện, nước.
Tuy vậy, về tổng thể, các biện pháp bảo vệ xã hội gần như không đủ để bảo vệ những người nghèo ở châu Phi trong giai đoạn bị đóng cửa.
Đối với một châu lục mà lịch sử gần đây đã chứng kiến rất nhiều các cuộc xung đột bạo lực, đây là một nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa. Căng thẳng kinh tế làm nảy sinh sự thất vọng, đặc biệt với chính quyền, gia tăng nguy cơ bất ổn, kéo dài các cuộc nội chiến và đảo chính quân sự.
Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) châu Phi, đã cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể “đầu tiên là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia , thứ hai mới đến cuộc khủng hoảng kinh tế và thứ ba là cuộc khủng hoảng y tế.”
Cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động đủ để hỗ trợ các quốc gia châu Phi hạn chế mối đe dọa của dịch Covid-19. Điều này một phần là do vấn đề hạn chế nguồn lực.
Trong thời kỳ đại dịch, ngân quỹ từ các tổ chức đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) phải chia sẻ cho rất nhiều nước và các chính phủ cũng đang tập trung các nguồn lực đáp ứng các nhu cầu trong nước.
Vì sự hạn chế về các nguồn lực công mà rất nhiều quốc gia hiện đang phải dựa vào các khoản viện trợ từ thiện. Ví dụ, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma (Giắc Ma) đã quyên góp 1,1 triệu bộ xét nghiệm, 6 triệu khẩu trang phẫu thuật và 60.000 đồ bảo hộ và khẩu trang y tế cho châu Phi.
Nhưng châu Phi không thể dựa vào lòng nhân từ của các nhà hảo tâm và các tập đoàn để giành chiến thắng trong trận chiến này, thay vào đó cần một phản ứng chung toàn cầu, bao gồm sự điều phối về các biện pháp như hạn chế đi lại và các quy định cách ly , với sự lãnh đạo hiệu quả.
Chính phủ của những nước giàu có và các tổ chức đa phương cần tăng sự hỗ trợ cho các nước thu nhập thấp, mà không làm cho nợ quốc tế của những nước này tăng lên.
Các nguồn lực từ trang thiết bị bảo hộ cá nhân đến các bộ xét nghiệm và máy thở nên được phân bổ theo nhu cầu.
Vào thời điểm khi Tổng giám đốc WHO Tedros cảnh báo về sự gia tăng đáng báo động của việc lây truyền virus SARS-CoV-2 ở châu Phi, nhu cầu tại châu lục này đang tăng lên rõ rệt.
Nhưng kiềm chế dịch COVID-19 không vẫn chưa đủ. Các quốc gia cần phải nhanh chóng tăng cường hệ thống y tế để bảo vệ trước nguy cơ các ổ dịch trong tương lai.
Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư không chỉ vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị mà cả nhân lực, đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia y tế.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chứng minh rằng, một dịch bệnh mới có thể lây lan trên khắp thế giới nhanh như thế nào, gây ra tình trạng tử vong và nhiễm bệnh hàng loạt.
Thay vì chờ đợi các đợt bùng phát tiếp theo và sau đó chơi trò đuổi bắt, tất cả các quốc gia cần nỗ lực để áp dụng những bài học của đại dịch COVID-19 để thúc đẩy khả năng phòng ngừa và sự chuẩn bị sẵn sàng.
Mặc dù đại dịch COVID-19 không phải ảnh hưởng đến tất cả đều giống nhau, nhưng nó khẳng định một điều rằng, trong một thế giới gắn kết như hiện nay, các thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu.
Cách thức duy nhất để xây dựng một thế giới hậu COVID-19 an toàn hơn là đảm bảo châu Phi không bị bỏ lại phía sau./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()