Nguy cơ cháy nổ khi nhà ở kết hợp kinh doanh không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy
Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ từ những căn nhà kết hợp giữa ở và kinh doanh đã được cảnh báo rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên, do ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của người dân còn hạn chế, lại tận dụng tối đa không gian của căn nhà để kinh doanh khiến hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện trên toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào. Khảo sát một số cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, hàng hóa được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng nếu có cháy nổ xảy ra, thiếu hoặc không có thiết bị PCCC.
Có mặt tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, chúng tôi thấy có đến hàng trăm cơ sở sản xuất gỗ lớn nhỏ ở đây. Hầu hết các xưởng đều tận dụng không gian nhà ở, sau đó cơi nới phục vụ sản xuất, kinh doanh và kho chứa, đấu nối hệ thống điện còn chủ quan, sơ sài. Theo phân loại cơ sở sản xuất để quản lý, mô hình kinh doanh hộ gia đình thường có diện tích nhỏ nên các yêu cầu về PCCC đều không được bảo đảm. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: “Do hạn chế quỹ đất nên mặt bằng kinh doanh, sản xuất, nhà xưởng trên địa bàn chủ yếu kết hợp với nhà ở. Đối với công tác PCCC, chúng tôi cũng thường xuyên kết hợp với các lực lượng chức năng tổ chức lớp học tuyên truyền, phổ biến công tác PCCC cho chủ các cơ sở và người lao động. Tuy nhiên, công nhân, thợ làm đều mang tính chất mùa vụ nên kiến thức cũng như ý thức PCCC chưa cao”.
Vụ cháy tại cơ sở kinh doanh nhà hàng kết hợp nhà ở tại phố Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 15-2 vừa qua. |
Chính thực trạng trên đã khiến các vụ hỏa hoạn tại cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở xảy ra liên tục trong thời gian qua. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 15-2 tại đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội). Địa điểm phát cháy ban đầu được xác định từ một cơ sở kinh doanh, sau đó lan sang cả dãy nhà. Vụ việc tuy không có thiệt hại về người nhưng nhiều hộ kinh doanh cùng toàn bộ hàng hóa đã bị thiêu rụi. Có mặt tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết: “Sau khi nhận được tin báo cháy, chúng tôi đã huy động hơn 10 xe chữa cháy của Công an quận Thanh Xuân, Trường Đại học PCCC tới hiện trường để dập lửa. Từ thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy xảy ra trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt. Do không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp. Có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải… gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện. Chưa kể đến việc người dân còn bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Mặt khác, một số cơ sở có dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ… đặt gần hàng hóa, vật dụng dễ cháy xung quanh. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn… Đây chính là những nguy cơ xảy ra cháy nổ”.
Một thực tế là người dân có thể bỏ ra rất nhiều tiền để mua sắm tài sản trong gia đình và hàng hóa nhưng không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy… Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, trang bị kỹ năng cho người dân cần phải được chú trọng để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Để bảo đảm an toàn PCCC cho các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến cáo mỗi hộ dân tự kiểm tra lại nguy cơ cháy ở nhà mình, hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng…; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa. Bên cạnh đó, người dân bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không che chắn, cản trở lối thoát nạn, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5m. Nơi chứa, chất hàng nguy hiểm về cháy nổ phải bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không tích trữ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Đồng thời, các gia đình lắp đặt những thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung của tòa nhà; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ và khi ra khỏi nhà”.
Điều quan trọng là mỗi người cần tự trang bị kiến thức PCCC. Khi có sự cố xảy ra, người dân cần bình tĩnh để xử lý đám cháy, tìm lối thoát nạn, báo cho mọi người xung quanh kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ theo số máy 114.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()