Nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía bắc
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cảnh báo, từ ngày 23 đến ngày 24-5, trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ tiểu mãn, với biên độ lũ lên từ 2 đến 3m ở thượng lưu các sông suối nhỏ; từ 1 đến 2 m ở hạ lưu các sông. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.
* Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh dần, dự báo trong các ngày đầu tuần từ 23 đến 25-5, ở Vịnh Thái-lan, vùng biển Cà Mau – Kiên Giang (bao gồm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu), vùng biển phía nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), có khả năng xảy ra mưa dông và gió Tây Nam mạnh cấp 4, cấp 5, giật cấp 6, cấp 7. Trong cơn dông có khả năng cao xuất hiện lốc xoáy và gió giật mạnh.
* Để chủ động đối phó với thời tiết diễn biến bất thường, Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các sở Công thương… tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016. Đối với các chủ đập thủy điện, Bộ Công thương yêu cầu kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước…
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam kiểm tra, rà soát các bãi thải, các khu mỏ khai thác than, khoáng sản, hệ thống đê chân bãi thải, hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước, mặt bằng sản xuất… Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát cập nhật hoàn chỉnh phương án, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, ứng phó sự cố tràn dầu. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch dự trữ và sẵn sàng phục vụ các vùng bị thiên tai; rà soát, cập nhật phương án bảo đảm an toàn, phòng chống ngập các công trình, cửa hàng xăng dầu, chống trôi nổi các bồn chứa xăng dầu khi bị ngập nước….
* Ngày 22-5, tại các huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) mưa lớn kéo dài đã làm dịu mát những núi đồi, những cánh đồng khô cháy. Cơn mưa kéo dài vài giờ ở từng khu vực đã mang lại niềm vui lớn cho người dân ở miền núi vùng cao Ninh Thuận. Trước đó, trên địa bàn này cũng có những cơn mưa cục bộ, tổng lượng nước đo được khoảng từ 22 mm đến 45,6 mm. Trong khi đó, tại một vài nơi ở đồng bằng trong tỉnh cũng có mưa với lượng nước đo được chỉ khoảng 2 đến 3 mm.
* UBND tỉnh Đác Lắc vừa ban hành Quyết định rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh. Theo đó, rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ I ở các huyện: Cư Kuin, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Krông Ana, Krông Búc, Krông Năng, Krông Pác, Lắc và thị xã Buôn Hồ; cấp độ II gồm ba huyện: Buôn Đôn, Cư M’gar và Ea Súp.
* Cảnh báo dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện rầy nâu – rầy lưng trắng tăng nhanh và tăng hơn cùng kỳ nhiều năm. Dự kiến cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 có lứa rầy cám nở rộ với mật độ cao, diện rộng và gây hại trên lúa giai đoạn trỗ – chắc xanh, có nguy cơ gây cháy rầy cao nếu không phòng trừ kịp thời tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tại các tỉnh bắc Trung Bộ, rầy tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn trỗ – chín (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và có xu hướng giảm tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế do thu hoạch. Một số diện tích có mật độ cao, thiếu nước có khả năng gây cháy cục bộ nếu công tác phòng trừ không kịp thời, không đúng kỹ thuật.
* Từ ngày 4-5 đến nay trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) dịch bệnh đốm trắng trên tôm đã phát sinh và lan rộng ra 451 ao nuôi (trong đó, có 115 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 336 ao nuôi tôm sú) của 271 hộ gia đình với tổng diện tích hơn 65 ha.
* Tại tỉnh Bạc Liêu, liên tục trong mấy ngày qua, diện tích tôm nuôi của Bạc Liêu bị thiệt hại tăng đột biến tới hơn 200 trăm ha do những cơn mưa đầu mùa gây ra, đưa tổng số diện tích tôm bị thiệt hại lên gần 10.000 ha, trong khi cả quý I năm 2015, số bị thiệt hại chỉ khoảng 4.000 ha
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()