A-rập Xê-út được coi là nơi cung cấp một lượng "vàng đen" khổng lồ cho thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ sử dụng dầu mỏ tăng mạnh trong mười năm đầu thế kỷ 21 có thể khiến "ông chủ xuất khẩu dầu mỏ" lớn nhất thế giới đối mặt nguy cơ nhập khẩu nguồn tài nguyên này trong hơn hai thập kỷ tới.A-rập Xê-út, thành viên duy nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đủ khả năng bù đắp lượng dầu mỏ thiếu hụt, trở thành hy vọng để bình ổn thị trường trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu giảm mạnh. Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác tại vùng Vịnh và những giếng dầu khổng lồ ở I-ran và I-rắc cũng có khả năng "bơm" vào thị trường hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, những "ông lớn" sản xuất "vàng đen" thế giới đã sử dụng một lượng lớn dầu khai thác được để đáp ứng "cơn khát" nhiên liệu tăng với tốc độ chóng mặt ở trong nước. A-rập Xê-út đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, về nhịp độ tăng chóng mặt trong việc...
A-rập Xê-út được coi là nơi cung cấp một lượng “vàng đen” khổng lồ cho thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ sử dụng dầu mỏ tăng mạnh trong mười năm đầu thế kỷ 21 có thể khiến “ông chủ xuất khẩu dầu mỏ” lớn nhất thế giới đối mặt nguy cơ nhập khẩu nguồn tài nguyên này trong hơn hai thập kỷ tới.
A-rập Xê-út, thành viên duy nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đủ khả năng bù đắp lượng dầu mỏ thiếu hụt, trở thành hy vọng để bình ổn thị trường trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu giảm mạnh. Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác tại vùng Vịnh và những giếng dầu khổng lồ ở I-ran và I-rắc cũng có khả năng “bơm” vào thị trường hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, những “ông lớn” sản xuất “vàng đen” thế giới đã sử dụng một lượng lớn dầu khai thác được để đáp ứng “cơn khát” nhiên liệu tăng với tốc độ chóng mặt ở trong nước. A-rập Xê-út đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, về nhịp độ tăng chóng mặt trong việc tiêu thụ “vàng đen”.
Trong mười năm đầu thế kỷ 21, lượng dầu tiêu thụ ở nước này đã tăng 78%, tương đương khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Ở mức tiêu thụ 2,8 triệu thùng/ngày hiện nay (chiếm khoảng 25% lượng dầu khai thác), A-rập Xê-út trở thành nhà tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ sáu thế giới. Lượng dầu mỏ sử dụng tại sáu quốc gia thành viên khác trong OPEC cũng tăng 56%, cao gấp bốn lần mức tăng toàn cầu và gần hai lần so với châu Á. Số liệu của Công ty dầu mỏ Anh (BP) cho thấy, mức tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu tính theo đầu người tăng nhanh trong giai đoạn 2000-2010, hiện ở mức khoảng 4,6 thùng/người/năm. Nhưng chỉ riêng tại A-rập Xê-út, mỗi người dân sử dụng trung bình 35,1 thùng dầu/năm.
Bùng nổ dân số kéo theo gia tăng nhu cầu về nước, điện và xăng là nguyên nhân chính đẩy mức tiêu thụ dầu mỏ tăng vọt. Theo các số liệu thống kê, vào năm 2010, dân số A-rập Xê-út đạt 27,4 triệu người, tăng 37%. Trong khi đó, dầu mỏ “đóng góp” tới 65% sản lượng điện tại quốc gia này. Việc trợ cấp “ồ ạt” từ chính phủ cũng là “lý do” khiến người dân sử dụng lãng phí “vàng đen”. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2010, những khoản trợ cấp dầu mỏ toàn cầu lên đến 192 tỷ USD trong đó các nước OPEC chiếm 121 tỷ USD. Nhờ các khoản trợ cấp nhiên liệu “hào phóng” từ chính phủ, giá điện và giá nhiên liệu tại A-rập Xê-út luôn ở mức thấp nhất trong vùng. Người dân sử dụng các loại phương tiện giao thông cá nhân nhiều hơn phương tiện giao thông công cộng. Cũng như nhiều quốc gia vùng Vịnh, A-rập Xê-út chưa khai thác hiệu quả nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào và sản lượng điện từ các nhà máy điện sử dụng khí đốt chỉ chiếm một phần ba tổng sản lượng điện của nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này.
Các chuyên gia dự báo, nhu cầu dầu mỏ thế giới có thể tăng tới 100 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Do đó, A-rập Xê-út có vai trò quan trọng đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, với nhu cầu và tốc độ sử dụng “vàng đen” của “ông vua xuất khẩu dầu mỏ” này tăng nhanh trong thời gian tới có thể khiến thị trường “hao hụt” một lượng dầu không nhỏ. Bên cạnh đó, nguồn cung tại I-ran sẽ giảm mạnh khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có hiệu lực. I-rắc hiện cung cấp khoảng ba triệu thùng dầu mỗi ngày và sở hữu một trữ lượng dầu mỏ lớn. Nhưng những bất ổn chính trị, an ninh, cơ sở hạ tầng xuống cấp nặng nề tại quốc gia Trung Đông này khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Sử dụng dầu lãng phí tại A-rập Xê-út đặt ra thách thức lớn đối với chính quốc gia sở hữu dầu mỏ lớn nhất thế giới này trong việc duy trì xuất khẩu và bình ổn giá dầu toàn cầu. Các chuyên gia năng lượng cảnh báo, A-rập Xê-út sẽ đối mặt nguy cơ nhập khẩu “vàng đen” vào năm 2038 nếu tiếp tục sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()