Nguy cơ bùng phát dịch sởi trở lại
Theo báo cáo giám sát từ các tỉnh, thành phố trong tháng 1-2015, ghi nhận 133 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 28 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Bộ Y tế lo ngại khả năng nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại.
Ngày 5-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo đảm các hoạt động y tế dịp Tết 2015 với 650 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 13 tỉnh, thành phố ghi nhận mắc sởi bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Đác Lắc. Theo ông Phu, việc các ca bệnh tập trung chủ yếu tại Hà Nội (7 ca bệnh) là một điều đáng lo ngại vì rất dễ có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch nhỏ.
Ghi nhận tại BV Nhi Trung ương cho thấy, các trường hợp mắc bệnh sởi đều dưới 2 tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm tới 62%. Các trường hợp mắc bệnh hầu như không tiêm phòng hoặc không khai thác được tiền sử trước đó đã được tiêm chủng hay chưa.
Ông Phu phân tích, theo xu hướng của năm 2014, mặc dù tháng 1 có số sốt phát ban nghi sởi thấp nhưng đến tháng 5-2014 đã có tới hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh. Trong khi sởi là bệnh truyền nhiễm do virus, dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt trong thời điểm Đông Xuân.
“Hiện nay chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới mở rộng tiêm dịch vụ, các địa phương khác vẫn theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc-xin dịch vụ tiêm vào lúc trẻ 1 tuổi nên nguy cơ trẻ mắc bệnh sởi trước khi đến thời điểm chờ tiêm vắc-xin dịch vụ là rất cao. Trong khi đó, vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ trong thời điểm gần đây đang khan hiếm, nên nhiều trẻ không tiêm đúng lịch nhưng cha mẹ lại không cho đi tiêm miễn phí trong chương trình”, ông Phu lưu ý.
Để đẩy mạnh công tác tiêm chủng đạt hiệu quả, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa ra kiến nghị các bệnh viện tỉnh, trung ương có thể triển khai phòng tiêm chủng mở rộng miễn phí tại các bệnh viện. Tại đây có đầy đủ phương tiện, bác sĩ, sẽ cấp cứu kịp thời trong tình huống có phản ứng sau tiêm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, dịch sởi đã quay trở lại Mỹ dù quốc gia này đã thông báo loại trừ bệnh sởi từ năm 2000. Vì vậy, Việt Nam cần rút ra bài học để làm thế nào để tiêm chủng trong nước đạt tỷ lệ cao nhất, nhất là những vùng lõm về tiêm chủng.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị triển khai quyết liệt hoạt động tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9-12 tháng tuổi, các địa phương cần rà soát và tổ chức tiêm vét ngay cho nhóm trẻ này. Bên cạnh đó cần xem xét lại mô hình tiêm chủng, việc chỉ tập trung vào ba ngày trong một tháng như hiện nay khiến một số trẻ bị chậm tiêm chủng, tăng khả năng lây nhiễm bệnh.
Về công tác cung ứng vắc-xin dịch vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, đơn vị nào không đủ khả năng cung ứng vắc-xin so với nhu cầu người dân thì không cho đơn vị đó đăng ký tiêm dịch vụ.
Bộ trưởng cũng nhắc lại những sự cố không đáng có trong thực hành tiêm chủng như tiêm nhầm vắc-xin, tiêm nhầm sang nước cất, làm mất niềm tin của người dân với ngành y tế, mất uy tín của ngành. Vì vậy, các cơ sở sản xuất vắc-xin Việt Nam cần lưu ý sản xuất các loại nhãn riêng biệt cho từng loại, tránh gây nhầm lẫn. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, tập huấn kỹ năng tiêm chủng cho các cán bộ tiêm chùng. “Những người chưa được tập huấn thì nhất định không được ngồi vào bàn tiêm, kể cả trạm trưởng, trạm phó nếu không được tấp huấn thì cũng dứt khoát không được tiêm chủng”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()