Nguy cơ bùng phát dịch dại ở chó
LSO-Từ đầu năm đến ngày 24/4/2016, trên địa bàn huyện Văn Lãng có 16 con chó của 6 xã nghi nhiễm bệnh dại; 38 người bị chó nghi nhiễm bệnh dại cắn đã đi tiêm. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, tình hình bệnh dại ở chó còn diễn biến phức tạp và có thể lây lan thêm.
Cán bộ Trạm thú y huyện phát tờ rơi tuyên truyền về sự nguy hiểm, cách phòng, chống dịch bệnh dại ở chó, mèo cho người dân |
Khó kiểm soát
Anh Nông Thế Hạ, thôn Phiêng Khoang (xã Tân Lang) nhớ lại: sáng 14/4/2016, khi tôi đang ở ngoài sân thì nghe tiếng con gái (cháu Nông Kim Chi, 3 tuổi) trong nhà kêu thất thanh, tôi vội chạy vào thì thấy con chó (chó của nhà nuôi) đã cắn vào má con làm cháu chảy máu. Thấy tôi, con chó liền quay ra lao vào cắn, may mắn tôi cầm được cây gậy đập và đuổi được nó đi. Sau đó, con chó lại tiếp tục cắn 2 người hàng xóm gần đó. Theo lời anh Hạ, trước khi xảy ra vụ việc 2 ngày, con chó có biểu hiện không bình thường như: ăn ít, nhiều rử mắt, đuôi cụp, chui vào chỗ có bóng tối, nhưng gia đình không nghĩ là chó bị bệnh dại mà chỉ cho là bị ốm. Anh Hạ thừa nhận, do chủ quan, gia đình chỉ nghĩ đơn giản là nuôi chó để trông nhà mà không nghĩ đến việc tiêm phòng bệnh dại cho chó.
Cũng tại thôn Phiêng Khoang, ngày 23/4/2016, bà Hoàng Thị Sao và cháu là Nguyễn Tiến Mạnh (5 tuổi) trong cùng một gia đình đã bị con chó do chính bà nuôi cắn. Trước đó, chó cũng có một số biểu hiện như chó nhà anh Hạ kể trên và cũng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Văn Lãng, từ tháng 1/2016 đến ngày 24/4/2016, trên địa bàn huyện đã phát hiện 16 con chó nghi nhiễm bệnh dại trên địa bàn 6 xã gồm: Hội Hoan, Gia Miễn, Nam La, Bắc La, Tân Việt, Tân Lang. Trong các con chó nghi nhiễm dại, nhiều con đã cắn chủ nhà, cắn các con chó khác trong thôn, thậm chí cắn cả lợn, gà.
Ông Chu Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Hiện tại, tình hình chó nghi nhiễm bệnh dại còn diễn biến phức tạp, khả năng tiếp tục lây lan là rất cao. Bởi, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó nhà rất thấp cùng với thói quen thả rông không kiểm soát của người dân là nguyên nhân hàng đầu cho bệnh dại có nguy cơ bùng phát mạnh. Trong khi đó, ý thức người dân còn hạn chế, nhiều nơi sống không tập trung nên việc tiêm phòng đạt thấp. Hiện, toàn huyện có khoảng 8.000 con chó, từ đầu năm đến cuối tháng 4/2016 mới tiêm phòng được khoảng 500 con (cả chó và mèo).
Tập trung ngăn chặn bệnh dại
Ngay sau khi phát hiện chó nghi nhiễm bệnh dại xảy ra, Trạm Thú y huyện đã phối hợp với UBND các xã thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, phát tờ rơi về các biện pháp phòng trừ bệnh cho người dân; đề nghị các xã thống kê đàn chó và thực hiện tiêm phòng; tăng cường công tác kiểm dịch; phối hợp với trung tâm y tế huyện trong việc phòng chống bệnh dại ở người;…
UBND huyện Văn Lãng đã ra công văn chỉ đạo các xã, thị trấn, Phòng NN&PTNT, Trạm Thú y, Trung tâm Y tế huyện về việc phòng chống bệnh dại chó, mèo. Ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: trường hợp bệnh dại ở chó, mèo có diễn biến phức tạp, ngoài việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, UBND huyện báo cáo tình hình dịch bệnh với tỉnh. Đồng thời, kiến nghị với tỉnh để có biện pháp quyết liệt hơn trong phòng chống bệnh, cần thiết xin cơ chế chỉ đạo tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi đối với các hộ nuôi chó, mèo. Cùng với đó, gắn trách nhiệm các phòng chức năng huyện và UBND các xã, thị trấn trong việc phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo.
Bệnh dại là bệnh viêm màng não tủy cấp tính do vi rút dại gây nên. Chó, mèo bị bệnh dại truyền vi rút sang người qua vết thương cắn, cào xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Người bị chó, mèo cắn nếu không được tiêm phòng vắc-xin sẽ lên cơn dại vật vã, đau đớn, co cứng, giãn đồng tử, hạ huyết áp… Tất cả bệnh nhân khi lên cơn dại đều tử vong. |
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()