Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương: Thêm động lực giúp dân thoát nghèo
(LSO) – Bên cạnh nguồn vốn từ trung ương, những năm qua, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm dành một phần vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bổ sung nguồn vốn. Qua đó, tạo nguồn lực để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Là một trong những huyện làm tốt công tác chuyển vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH, hằng năm, UBND huyện Cao Lộc luôn quan tâm, chuyển đủ vốn ngân sách theo chỉ tiêu Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh giao cho NHCSXH.
Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Cao Lộc cho biết: Xác định nguồn vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những năm qua, bên cạnh nguồn vốn của trung ương, UBND huyện đã trích ngân sách ủy thác sang NHCSXH huyện, đến nay, số tiền đạt trên 2,2 tỷ đồng để cho hộ nghèo vay. Nguồn vốn này chủ yếu cho vay để giải quyết việc làm, phát triển chăn nuôi, buôn bán nhỏ, phát triển ngành nghề… Qua đó, góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn huyện.
Nguồn vốn ủy thác được người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập đầu tư phát triển chăn nuôi hiệu quả
Tương tự huyện Cao Lộc, nhờ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên toàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế nhưng hằng năm, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là 68,844 tỷ đồng, (tăng 33,8 tỷ đồng so với năm 2014), chiếm 2,4% tổng nguồn vốn. Trong đó: ngân sách tỉnh 48,530 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thành phố là 20,314 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, NHCSXH đã giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang được NHCSXH chủ yếu giải ngân cho vay chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và chương trình giải quyết việc làm.
Những năm qua, từ nguồn vốn này đã có hơn 2.000 lượt hộ nghèo vay vốn. Thống kê của NHCSXH tỉnh cho thấy, tất cả những hộ được vay vốn đều đầu tư xây dựng những mô hình kinh tế và làm ăn có hiệu quả như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; tu bổ và trồng rừng; cải tạo, trồng mới các loại cây ăn quả; kinh doanh, buôn bán, phát triển ngành nghề… Theo đánh giá của lãnh đạo NHCSXH tỉnh, chương trình cho vay này góp phần không nhỏ giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (từ 25,95% năm 2015 xuống còn 12,97 % năm 2019, tính đến hết tháng 9/2019).
Gia đình chị Hoàng Thị Đoan, thôn Nà Thườn, xã Tràng Các, huyện Văn Quan là một trong những hộ tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH huyện. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo, năm 2013, được tạo điều kiện vay 30 triệu đồng của NHCSXH, gia đình chị đã đầu tư nuôi trâu. Nhờ đầu tư có hiệu quả đã giúp gia đình chị có vốn trang trải khó khăn và trồng được hơn 200 cây hồng Bảo Lâm, chăn nuôi lợn, gà. Chị Đoan tâm sự: “Nhờ đầu tư, sử dụng vốn đúng mục đích, năm 2017, gia đình tôi đã trả hết nợ và tiếp tục làm hồ sơ vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư trồng hồi và thu mua, buôn bán hồi. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, trung bình mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Có thể khẳng định, bằng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã giúp nhiều hộ đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đó thực sự là chiếc cần câu, là đòn bẩy giúp dân giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc chuyển vốn sang NHCSXH, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận nguồn vốn.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()