Nguồn vốn “tam nông”: Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế
(LSO) – Những năm qua, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không ngừng tăng trưởng. Hiện tổng dư nợ ở lĩnh vực này chiếm 90% tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi, qua đó, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho bà con nông dân vượt qua khó khăn, đầu tư vốn phát triển kinh tế có hiệu quả và nâng cao đời sống.
Cùng cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng và chăn nuôi của gia đình ông Hoàng Văn Hùng, thôn Nà Mạ, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình. Ông Hùng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có diện tích đồi rừng lớn nhưng thiếu vốn phát triển, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, qua Hội Nông dân xã, tôi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư chăm sóc rừng thông và mở rộng diện tích trồng rừng. Năm 2018, gia đình tôi tiếp tục vay vốn để chăm sóc rừng thông và phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình có thu nhập từ 2 ha thông, đã trả được một phần tiền cho ngân hàng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang, thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm”.
Người dân xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư trồng bưởi
Không chỉ gia đình ông Hùng, thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình đã thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay, giúp người dân nông thôn có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2019 đến nay, nguồn vốn đã giúp trên 700 hộ thoát nghèo và cận nghèo, các hộ vay vốn đã trồng được trên 7.500 ha thông…
Ông Lê Nguyên Nhung, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Những năm qua, phòng giao dịch luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện và NHCSXH tỉnh trong triển khai các chương trình tín dụng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn huyện là 370 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực “tam nông” trên 325 tỷ đồng, chiếm 88% tổng dư nợ, trên 6.000 hộ vay vốn.
Cùng với Lộc Bình, thời gian qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH được đầu tư vào lĩnh vực “tam nông” ngày càng tăng. Đến nay, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng ưu đãi tại NHCSXH tỉnh đạt trên 3.000 tỷ đồng, số hộ còn dư nợ là 67.838 lượt hộ. Trong đó, nguồn vốn cho vay được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 2.761 tỷ đồng, chiếm 90% tổng dư nợ, tăng 2% so với năm 2019.
Hiệu quả nguồn vốn đã tiếp sức cho người dân nông thôn phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ…
Bà Dương Thị Nhuyên, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Làng Giáo, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Những năm qua, nhờ được vay vốn ưu đãi, hàng năm, số hộ nghèo của tổ đều giảm. Các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả nên trả nợ, trả lãi đúng thời hạn, tổ không có nợ quá hạn. Năm 2016, tổ còn 21 hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 11 hộ, hiện tổ có 58 tổ viên với dư nợ trên 3 tỷ đồng, các hộ sử dụng vốn để trồng rừng, chăn nuôi… từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả các chương trình vốn hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chi nhánh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền; chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn, bản, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời. Qua đó, góp phần giúp các gia đình khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống khấm khá, ổn định hơn.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng vốn ở vùng nông thôn còn rất lớn. Vì vậy, để phát huy hiệu quả nguồn vốn này hơn nữa, hệ thống NHCSXH tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để người nghèo và các đối tượng chính sách từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Trong năm 2020, vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người dân đầu tư chăn nuôi trên 17 nghìn con gia súc, trên 100 nghìn con gia cầm; cải tạo, chăm sóc rừng, trồng cây ăn quả được trên 11.500 ha; xây dựng được trên 45,3 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp hộ nghèo tu sửa, xây mới 444 ngôi nhà. Số hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay NHCSXH khoảng hơn 1,2 nghìn hộ, 4.672 lao động được tạo việc làm. |
Ý kiến ()