Nguồn vốn tam nông: Đồng hành cùng người dân Chi Lăng phát triển kinh tế
– Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Chi Lăng (Agribank Chi Lăng) đã triển khai có hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện.
Những ngày giữa tháng 7/2021, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Lô Văn Đức, khu Thống Nhất, thị trấn Đồng Mỏ. Từ năm 2015, gia đình ông Đức đã đầu tư chăn nuôi thỏ với số lượng khoảng 500 con, một phần từ vốn của gia đình, một phần nhờ nguồn vốn 100 triệu đồng vay của Agribank Chi Lăng. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông xuất bán hơn 100 con thỏ thịt ra thị trường, đem lại thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Người dân thị trấn Chi Lăng phát triển mô hình trồng na đem lại thu nhập cao từ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank
Ông Đức cho biết: Với việc tái đầu tư quay vòng, quy mô trại thỏ ngày càng được mở rộng. Đến đầu năm 2021, gia đình tôi tiếp tục vay Agribank Chi Lăng 400 triệu đồng để xây dựng chuồng trại với diện tích gần 300 m2, quy mô 1.000 con thỏ, dự kiến thời gian tới sẽ cho xuất bán khoảng 300 con thỏ thịt/tháng.
Không chỉ gia đình ông Đức, nhiều hộ trên địa bàn huyện đã được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank để phát triển các mô hình kinh tế. Như ông Nông Văn Sơn, thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng. Đầu năm 2020, gia đình ông vay 80 triệu đồng từ Agribank Chi Lăng để chăm sóc cây na. Ông Sơn cho biết: Gia đình tôi trồng na cách đây 20 năm, hiện đã có trên 400 gốc. trước đây, do thiếu vốn chăm sóc nên cây phát triển chậm, khi có vốn ưu đãi của Agribank, tôi có thêm điều kiện mua vật tư chăm sóc diện tích na của gia đình, nhờ đó, năm 2020, sản lượng na thu hoạch đạt hơn 4 tấn (tăng 1 tấn so với những năm trước), với giá bán từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng. Năm 2021, gia đình tôi dự kiến sẽ làm thêm na gối vụ để tăng thêm thu nhập.
Để kịp thời cung ứng vốn đến người dân có nhu cầu vay vốn, Agribank Chi Lăng đã thành lập 29 tổ vay vốn với 296 tổ viên tại các thôn, bản, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Khi người dân có nhu cầu vay vốn, các tổ trưởng sẽ hỗ trợ người dân thủ tục cần thiết, sau đó, đề xuất với cán bộ tín dụng ngân hàng để thẩm định, nhanh chóng giải ngân. Cùng với đó, Agribank Chi Lăng tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng, đặc biệt là các chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, các hộ vay vốn đều nắm được và sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Chi Lăng đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với 31/12/2020, với gần 4.000 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 85% tổng dư nợ.
Hiện nay, chi nhánh triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: vay lãi suất thấp từ 8,5 đến 10%/năm; cho vay hỗ trợ 50% lãi suất theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; cho vay thấu chi nông nghiệp nông thôn…
Ông Đinh Mạnh Tùng Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Agribank Chi Lăng cho biết: Nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực, điều đó thể hiện ở chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1% (trong mức cho phép), tỷ lệ thu lãi hằng năm đạt 96% trở lên. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình cho vay, đặc biệt là cho vay ưu đãi nông nghiệp, nông thôn, trong đó, chú trọng tiếp cận, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân, có sự định hướng, tư vấn để khách hàng đầu tư vốn hiệu quả.
Từ nguồn vốn tam nông, Agribank Chi Lăng đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,38%, giảm 7,33% so với năm 2018
Ý kiến ()