Ngày 9-6, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) đã diễn ra Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến.
Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và các ưu tiên chính sách cho năm 2010, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm (2011-2015). Vấn đề trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới được bàn thảo tại hội nghị là vấn đề cải cách để tăng cường hiệu quả của tăng trưởng, tài trợ cơ sở hạ tầng, đối phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các đối tượng dễ bị tổn thương và bảo trợ xã hội, giáo dục kỹ năng nghề, phòng, chống tham nhũng trong ngành giáo dục…
Hội nghị đánh giá cao tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái mà Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 5,32% là con số ấn tượng. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2009, tổng vốn đầu tư xã hội của Việt Nam đạt khoảng 39 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2008 và bằng 42,7% GDP; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 22,6 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 10 tỷ USD; vốn ODA cam kết đạt hơn 8 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng 4,1 tỷ USD, gấp hai lần kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái, việc Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài thể hiện niềm tin của cộng đồng quốc tế vào tiềm năng phát triển vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Năm 2009, Việt Nam đã cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị xã hội. Trong năm 2010, Việt Nam phấn đấu hoàn thành ba mục tiêu chính, đó là: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát không để lạm phát cao trở lại; phục hồi tăng trưởng GDP cao hơn năm 2009, năm 2010 phấn đấu đạt 6,5 – 7%; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và ổn định chính trị xã hội.
Đối với mục tiêu chiến lược 10 năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; là một trung tâm sản xuất và dịch vụ trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ của khu vực và toàn cầu. Đến năm 2020, GDP của Việt Nam đạt từ 300 đến 310 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 từ 3.000 đến 3.200 USD. Để hoàn thành các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên năm quan điểm. Thứ nhất, phát triển nhanh gắn liền phát triển bền vững, trong đó tăng trưởng kinh tế cao gắn liền với hiệu quả, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Thứ hai, đổi mới đồng bộ phù hợp kinh tế, chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thứ ba, phát huy mức cao nhất nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Thứ tư, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học ngày càng cao, đồng thời với việc hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ năm, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng… Để thực hiện được mục tiêu quan điểm trên, Việt Nam chủ trương thực hiện ba khâu đột phá. Một là, hoàn thiện kinh tế thị trường, mà trọng tâm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Hai là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân. Ba là, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào hệ thống giao thông, điện và hạ tầng đô thị lớn…
Việt Nam khẳng định tiếp tục đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cấu trúc lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của cộng đồng quốc tế có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những đóng góp, ý tưởng, sáng kiến của các tổ chức, các vị đại sứ tham dự trong Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển, hiện thực hóa tầm nhìn 10 năm và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới đây.
Ngày 10-6, các đại biểu sẽ có các chuyến đi thực địa đến các dự án đang được triển khai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ý kiến ()